Mới đây, TAND quận 7 xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo TTS 7 năm tù về tội tham ô tài sản. S là nhân viên giao hàng (shipper) theo hợp đồng, khi giao hàng xong đã không nộp về công ty mà chiếm đoạt hơn 17 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 4-2023, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và tuyên y án ba năm tù về tội tham ô tài sản đối với Bành Tất Hoài (shipper) vì có hành vi chiếm đoạt 27,1 triệu đồng tiền hàng của công ty.
Trong vụ án này, tội danh của bị cáo Hoài là vấn đề gây tranh cãi. Bởi theo quan điểm của VKS, Hoài phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong các vụ án nhân viên giao hàng chiếm đoạt tiền hàng của công ty, nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao một anh nhân viên giao hàng sao lại phạm tội tham ô tài sản?
Giải đáp vấn đề này, theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), đối với tội danh tham ô tài sản, dấu hiệu liên quan đến chủ thể của tội phạm là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội.
Cụ thể, người phạm tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 BLHS bắt buộc phải là người có chức vụ, quyền hạn và phải có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Trường hợp họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản.
Đây là dấu hiệu bắt buộc nhằm xác định một người có thể trở thành chủ thể của tội danh này và cũng là dấu hiệu quan trọng để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt khác.
Căn cứ Điều 352 BLHS, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Những người này bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Về nội dung “do một hình thức khác”, tại Điều 2 Nghị quyết 03/2020 ngày 30-12-2020 của HĐTP TAND Tối cao, đây là trường hợp một người không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.
Đối với trường hợp của nhân viên giao hàng (shipper), là những người lao động có hoặc không có hợp đồng nhưng vẫn được giao thực hiện một nhiệm vụ cụ thể đó là giao hàng (tài sản) và có một số quyền hạn nhất định, cũng như là chủ thể trực tiếp quản lý phần hàng (tài sản) này khi đi giao. Như vậy, đây là chủ thể này thỏa mãn nội dung “do một hình thức khác” được luật quy định.
Do đó, việc các cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy định liên quan đến tội danh tham ô tài sản trong trường hợp shipper có hành vi chiếm đoạt tài sản trong khi giao hàng là có cơ sở và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Quan điểm của TAND Tối cao
Vào tháng 10-2023, TAND Tối cao đã ra thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
Nội dung câu hỏi: "Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông, thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho công ty. Hành vi của của bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội tham ô tài sản?".
Theo giải đáp của TAND Tối cao, bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu tiền của khách hàng, bị cáo đã không nộp về công ty mà dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền này.
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS khái niệm tội phạm về chức vụ và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 ngày 30-12-2020 của HĐTP TAND tối cao, hành vi của bị cáo phạm tội tham ô tài sản.