Vào những tháng cuối năm, sức mua sắm của người dân đang tăng. Phản ánh đến báo, nhiều bạn đọc lo ngại tình trạng đội giá lên tại các chợ sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của họ vào dịp Tết này khi mà nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn không niêm yết giá theo đúng quy định.
Quy định có cũng như không
Nghị định 177/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá đã quy định việc niêm yết giá tại các chợ có hiệu lực từ năm 2014. Theo đó, các cửa hàng, kiốt kinh doanh buộc thực hiện niêm yết giá rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng.
Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi khảo sát tại một số chợ ở TP.HCM thì hầu như các tiểu thương vẫn chưa thực hiện đầy đủ hoặc không bán theo giá niêm yết trên sản phẩm.
Ghi nhận tại quầy bán thịt và rau củ quả ở chợ Minh Phụng (quận 6, TP.HCM) thì trên 10 quầy chỉ khoảng 1-2 quầy có treo bảng giá.
Chị L., một tiểu thương ở chợ Minh Phụng, cho biết: “Việc bắt buộc treo bảng giá thì hầu như ai cũng biết vì ban quản lý (BQL) chợ đã thông báo, nhắc nhở. Tuy nhiên, treo bảng cho có chứ không thể bán đúng giá vì có một số khách mua cứ kì kèo bớt và để mở hàng được suôn sẻ chúng tôi phải hạ xuống”.
Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) việc niêm yết giá cũng trong tình trạng người thực hiện, người không. Quầy bán quần áo thì chưa niêm yết trên từng sản phẩm.
Dạo một vòng ở chợ Tân Sơn Nhất (phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) thì việc niêm yết giá trên sản phẩm chỉ được tiểu thương thực hiện khoảng 50%. Tại một quầy bán mỹ phẩm, quần áo có khách hàng hỏi mua một cái áo, chủ quầy báo 175.000 đồng nhưng khi thấy vẻ mặt khách không hài lòng, chủ sạp bảo “55.000 đồng được không?”. Việc mua bán thách như thế này cũng thường xuyên diễn ra tại chợ.
Tại chợ Minh Phụng (quận 6, TP.HCM) không có nhiều bảng giá được treo lên như thế này. Ảnh: N.HIỀN
Nhắc nhở là chính
Ông Nguyễn Thanh Phước, Trưởng BQL chợ Minh Phụng, cho hay: “Việc tiểu thương không niêm yết giá theo quy định, chúng tôi đã nghe báo cáo lại. Vừa rồi BQL có ký lại phụ lục hợp đồng với tiểu thương, trong phụ lục này BQL yêu cầu tất cả tiểu thương phải thực hiện niêm yết giá. Đồng thời yêu cầu tiểu thương phôtô bảng giá của mình để BQL kiểm tra và đưa ra mẫu niêm yết cho đồng bộ. Việc nói thách ở chợ thì ban cũng có thành lập trưởng các ngành hàng ở chợ để nhắc nhở, hạn chế tình trạng nói thách, bán không đúng giá”.
Về hướng xử lý cho chuyện tiểu thương không niêm yết giá, ông Phước cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại thì BQL chợ vẫn chưa xử phạt trường hợp nào không niêm yết giá mà chỉ nhắc nhở là chính. BQL cũng thường xuyên tuyên truyền đến tiểu thương thực hiện đúng quy định nhưng mỗi khi xuống kiểm tra thì lại phát hiện có tiểu thương vi phạm. Nếu tiểu thương vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, lần hai lập biên bản và lần ba thì rút giấy phép có thời hạn. Tiểu thương nào treo bảng giá bị che khuất hoặc không rõ ràng thì cũng xem là không treo bảng giá” - đại diện BQL chợ Phạm Văn Hai nói.
Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, khẳng định: “Theo quy định, tiểu thương phải có niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Những trường hợp nào không chấp hành đều phải bị xử phạt. Ngoài ra, tất cả trường hợp bị xử phạt được các đơn vị thống kê, báo cáo đầy đủ”.
Phạt nặng nếu tiểu thương không niêm yết giá Điều 12 Nghị định 109/2013 và Nghị định 49/2016 được sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn như sau: Đối với hành vi “không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” và “niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng”, nếu vi phạm hai lần trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá thì mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa; dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước. Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM |