PLO cũng đã ghi nhận được tâm sự của nhiều thầy cô giáo về những lý do mà mình đến với một nghề thật đặc biệt: Nghề trồng người.
Tôi nghĩ đến thầy cô tôi khi xưa
Chọn nghề dạy học là ước mơ từ thời đi học của tôi. Ba năm cấp ba, tôi thần tượng cô giáo chủ nhiệm lắm, cô nghiêm khắc nhưng bề ngoài rất tình cảm, học trò bọn tôi có thể tâm sự với cô mọi chuyện, thành công của lớp luôn có bóng dáng của cô. Chính từ lúc ấy, tôi hiểu hơn công việc hy sinh của thầy cô giáo nên quyết định theo nghề.
Trong quá trình đi dạy, có những điều làm tôi rất nản và mệt mỏi vì đối tượng học sinh không như suy nghĩ của tôi là ngoan, biết nghe lời thầy cô. Các em rất đa dạng, cá biệt nhưng khi động viên, các em không thay đổi khiến tôi rất nản và dằn vặt. Nhưng tôi nghĩ đến thầy cô của mình, khi xưa mình cũng từng lười biếng, không chịu học nhưng cô vẫn ân cần dạy bảo, tại sao chỉ mới có thế mà mình đã vội nản. Nghĩ đã chọn thì cố gắng đi đến nấc cuối cùng và quan niệm bản thân các em chưa tốt, bản thân mình là người thầy thì phải giúp các em nên tự tôi suy nghĩ phải thay đổi phương pháp dạy của mình. Tôi nghĩ ra cách giữ các em học sinh học chậm ở lại để ôn bài, khảo bài cho các em và mời các bạn học khá hơn hỗ trợ các em, trích tiền túi mua nước cho các em uống. Phụ huynh rất ủng hộ vì hoàn cảnh khó khăn, đầu tắt mặt tối với công việc nên cũng không biết làm gì để giúp các em. Cảm nhận được tình cảm của thầy nên các em đã cố gắng học tập và kết quả đạt được thấy rõ khi năm đó, lớp tôi là lớp có tỉ lệ lên lớp đạt 100% duy nhất trong trường. Ngày công bố kết quả, phụ huynh lên ôm chầm lấy tôi cảm ơn khiến tôi rất xúc động.
Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo. Dù nghề giáo lương không cao nhưng dạy các em ra trường rồi, các em vẫn nhớ về mình, các em chia sẻ bài báo về mình trên Facebook rằng hãnh diện khi là học trò của thầy là mình cảm thấy mình được rất nhiều.
Các bạn chọn nghề nào cũng được miễn sao nghề đó cũng góp phần xây dựng đất nước. Còn đã chọn nghề giáo thì tôi khuyên bạn cần có tình yêu với trẻ con, yêu nghề và có cái tâm là điều quan trọng nhất.
Thầy LÊ MINH KIM LONG, giáo viên Trường THCS Trường Sơn, quận Gò Vấp
Trưởng thành hơn nhờ giúp học sinh
Khi ấy, mơ ước của tôi không phải là giáo viên mà là bác sĩ nhưng tôi đã có cơ duyên chọn nguyện vọng hai là sư phạm hóa học. Lúc đó thực sự tôi chưa nhiệt huyết với nghề vì nghĩ đậu thì học, lại có nguồn tài trợ sẽ đỡ chi phí cho gia đình.
Đến năm hai khi đi thực tập, tiếp xúc với những học sinh ngoan, tôi bắt đầu có động lực đi theo ngành. Nhưng đến khi nhận nhiệm sở thì công việc không trơn tru như tôi nghĩ.
Học sinh ở trường lúc tôi về còn là hệ bán công nên chất lượng đầu vào thấp, tiếp thu chậm, nhiều em khó bảo khiến tôi sụt ký hẳn vì lo lắng, thất vọng. Tình cờ một cô giáo làm công tác đoàn nghỉ nên tôi được phân công làm bí thư chi đoàn kiêm nhiệm. Từ đây, trong những lần sinh hoạt đoàn, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các em và nhận ra những em tinh nghịch, hay nói chuyện trong giờ học khiến thầy cô nhắc nhở mãi lại là những học sinh rất tình cảm, còn có nhiều tài lẻ…Từ đó, tôi biết cách ứng xử và dạy các em sao cho tốt hơn, hiệu quả hơn.
Sản phẩm tạo ra của nghề giáo không phải vật dụng mà là muôn hình vạn trạng, mỗi em là một sản phẩm, đối với những ai quan tâm thực sự đến các em thì việc này không bao giờ là dễ dàng.
Đối với tôi, nghề giáo dù lương thấp, áp lực khi phải đối mặt nhiều thứ nhưng việc giúp nhiều em học sinh trưởng thành làm chính tôi vui và cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn. Tôi được nhiều lắm! Và tôi luôn tự hào về nghề "trồng người" mà mình đã chọn!
Cô GIANG ÁNH LOAN, giáo viên bộ môn hóa học Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh
Nghề giáo thì cái tâm cần được đặt lên hàng đầu
Hơn chục năm trước, khi quyết định bước theo nghề, trong lòng tôi hơi băn khoăn. Trong giai đoạn mới ra trường và những năm đầu đi dạy, vì kinh nghiệm còn ít, chưa có nhiều phương pháp nên tôi quản lý lớp học chưa được tốt do một số em rất nghịch và hiếu động. Nhiều khi nhắc nhở các em nhưng ở lứa tuổi tiểu học các em nghe rồi lại bỏ qua, lúc đó tôi chỉ muốn khóc vì không biết phải làm sao. Còn nói về lương giáo viên thì quả thật là khá chật vật trong cuộc sống nhưng thật sự tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề vì mỗi ngày đến trường nhìn gương mặt hồn nhiên, đôi mắt ngây thơ của bọn trẻ thì mọi khó khăn trong tôi dường như vơi đi rất nhiều.
Tôi nhớ mãi hội thi “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ” cấp quốc gia. Hội thi diễn ra ở Nha Trang và tôi chỉ được gặp học sinh 15 phút trước khi dạy. Thầy và trò chưa tiếp xúc với nhau bao giờ nên còn rất bỡ ngỡ, bản thân tôi rất hồi hộp và lo lắng, không biết tiết dạy của mình sẽ như thế nào. Bên cạnh sự hỗ trợ tận tình của ban giám hiệu, thật may mắn, cô giáo cũ của tôi cũng là cán bộ Sở Giáo dục đã động viên khích lệ nên tôi không còn run nữa và tôi đã dạy một tiết học hay nhất trong đời. Kết quả là tôi đã vinh dự đạt được giải nhất trong hội thi.
Nếu được chọn lại thì tôi vẫn xin được chọn nghề giáo. Theo tôi làm bất cứ ngành nghề nào cũng cần có cái tâm và nghề giáo thì cái tâm cần được đặt lên hàng đầu, lúc đó người giáo viên sẽ vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và sẽ mở lòng chia sẻ với những thất bại của chúng.
Hiện nay có hai học trò trước kia của tôi đang theo học Trường ĐH Sài Gòn khoa Sư phạm, tôi xin gửi lời nhắn nhủ rằng cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn thiếu thốn và đôi khi có những thông tin tiêu cực có liên quan đến giáo dục. Thế nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi mong sao các thầy cô giáo nói chung và các em giáo viên tương lai vẫn luôn cố gắng trau dồi đạo đức, chuyên môn, tận tụy hy sinh mà không chút đắn đo, tất cả vì sự tiến bộ của học trò. Khi gặp những tình huống không hay xảy ra cần bình tĩnh, xem xét thật cụ thể để có hướng giải quyết tốt nhất.
Hiện nay vấn đề đồng lương giáo viên đang được đề cập nhiều trên báo đài. Cuộc sống của giáo viên ở thành phố còn khó khăn thì giáo viên ở những vùng nông thôn, miền núi càng khó khăn hơn nhiều lần. Tôi chỉ mong mỏi các cấp lãnh đạo xem xét và tạo điều kiện tốt hơn về vật chất và tinh thần để các thầy cô giáo yên tâm công tác, vun trồng những thế hệ mai sau cho nước nhà.
Thầy VƯƠNG SĨ ĐỨC, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp
Nghề không nghĩ đến lợi ích vật chất
Cô Hoàng Vân
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là câu cửa miệng phổ biến ở cái thời tôi thi vào sư phạm nhưng tôi không quan tâm nhiều đến điều đó vì đây là nghề tôi thích.
Khi mới ra trường, tôi công tác tại một trường bán công ở TP Đà Lạt, đối mặt với những học sinh cá biệt, sổ sách khiến tôi nhiều lần bật khóc trước lớp và muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên của thầy hiệu trưởng và sự chia sẻ kinh nghiệm của các cô giáo đi trước, tôi không cứng nhắc nữa mà dần hiểu ra phương pháp uốn nắn các em phải bằng tình cảm chân thật của một người chị, người mẹ. Mình đến với các em như mẹ, như chị thì các em cũng sẽ yêu quý như vậy.
Khi chuyển công tác về trung tâm giáo dục thường xuyên quận 7, tôi rất nản vì nghĩ môi trường không như mong muốn. Nhưng chính ở đây, các em lại là tấm gương, động lực cho tôi phấn đấu. Vì nhà không có điều kiện, có em phải đi làm bảo vệ nuôi mẹ, nuôi em. Có em 40 tuổi mới cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Thầy cô ở đây ngoài việc dạy chữ còn là dạy người vì nhiều em không có cha mẹ, họp phụ huynh khó khăn nên học sinh cũng là phụ huynh của chính mình.
Tôi nhớ năm 2011, khi tôi mới chuyển về trường và làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9, trong lớp tôi có một em học sinh bị cô giáo bộ môn méc là chống đối cô trong giờ dạy. Tôi bực quá vì mới dặn em tiết trước mà tiết sau em đã như thế. Tôi hỏi em nguyên nhân thì em đối đáp lại: “Cô không biết gì mà nói” khiến tôi bật khóc.
Sau đó em viết cho tôi lá thư xin lỗi và tôi cũng cố tình quên mọi chuyện đi vì tôi tìm hiểu biết được ba mẹ em gây lộn, mẹ em bỏ đi khiến em hoang mang. Vài ngày sau, em bỏ nhà đi, ba em cũng không kiếm, chỉ có bà nội nhờ tôi kiếm em. Tôi nhớ ra số điện thoại có lần em dùng để liên lạc với tôi nên hỏi em thì may mắn đó là số bạn của em. Tôi hẹn gặp em ở quán nước gần trường, em một mực không chịu đi học nữa. Tôi đã nói với em rất nhiều, tôi dẫn hoàn cảnh của tôi là ba mẹ cũng ly hôn khi tôi còn nhỏ nhưng tôi đã không vì thế mà bỏ học giữa chừng. Em đồng ý quay về trường, tôi giao một em kèm cặp giúp em vì em bỏ học nhiều ngày, sẽ không theo kịp bài vở. Từ học sinh yếu, em được lên học sinh trung bình. Hiện giờ em đã tốt nghiệp và làm việc ở phường Tân Phong, quận 7. Em thường về lại trường và chia sẻ kỷ niệm này với các thế hệ sau. Nghề giáo làm tôi phải đổ nhiều nước mắt như thế nhưng tôi rất vui vì đã làm được những việc nho nhỏ giúp các em.
Hiện nay, có một số giáo viên ra trường không còn nhiệt huyết, làm không chuyên tâm, không tìm thấy niềm yêu nghề, có anh chị làm cái gì cũng đòi quyền lợi, đòi bồi dưỡng khiến tôi rất buồn. Tôi nhớ lời một thầy giáo từng nói “anh chị nghĩ đến quyền lợi là chọn nhầm nghề rồi, nghĩ đến lợi ích vật chất trong nghề này thì không làm được đâu”. Và quả thực, đã chọn nghề giáo thì bạn phải thực sự yêu thích nó thì mới làm tốt, làm đại khái qua loa thì sẽ không bao giờ thu được quả ngọt.
Cô Hoàng Vân, giáo viên lịch sử, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7
“Giáo viên không phải là một nghề mà là một sứ mạng. Ai trước khi bước chân vào nghề giáo cũng phải hiểu được điều đó. Chọn nghề giáo là chấp nhận hy sinh nên dù khó khăn đến đâu nhưng nếu cố gắng, thầy cô sẽ vượt qua. Đừng vì đồng lương bạc bẽo mà vấp té trên bục giảng, như thế sẽ làm ảnh hưởng đến nghiệp giáo, đến cái nhìn con trẻ". Nhà giáo lão thành ĐÀM LÊ ĐỨC |