Chiều 1-8, Bộ NN&PTNT họp báo thường kỳ tháng 7. Tại họp báo, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp đã chia sẻ một số thông tin, nhận định ban đầu về nguyên nhân góp phần gây ra vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Theo ông Lực, nguyên nhân cụ thể gây ra vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc thì các cơ quan chức năng đang làm rõ. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo phải làm rõ việc này.
"Tuy nhiên, nhận định ban đầu, vụ sạt lở ở đây là do tác động của lượng mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày, vị trí thế đất cao. Sầu riêng trồng ở đây mới từ năm 2019 nên không có độ che phủ” - ông Lực nói.
Khoảng 1/4 vườn sầu riêng sạt xuống đè chốt CSGT đèo Bảo Lộc. Ảnh: VT |
Đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp, trong đó quy định rất rõ về quy chế quản lý và sử dụng với ba loại rừng: phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất.
"Chúng tôi chắc chắn đây là rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ trên cạn thì theo quy định phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. Vấn đề này chắc chắn có trách nhiệm của địa phương trong việc quan tâm, quy hoạch, rà soát đất rừng phòng hộ. Việc quản lý, sử dụng đất rừng, trồng rừng phải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật Bộ NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn theo quy định của Nghị định 156" - đại diện Cục Lâm nghiệp chia sẻ.
Trước đó, vào chiều 30-7, mưa lớn liên tục đã gây sạt lở đồi sầu riêng, đồng thời vùi lấp trụ sở Trạm CSGT làm bốn người, trong đó có ba cảnh sát giao thông, một người dân bị thiệt mạng.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác đến Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả vụ sạt lở. Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện yêu cầu tập trung khắc phục sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở.