Trả lời, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc kiểm soát môi trường tại Formosa trách nhiệm đầu là của Sở TN&MT nhưng vấn đề của Công ty Formosa không còn là việc của tỉnh nhà nữa mà là của Chính phủ.
Hiện Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Formosa Hà Tĩnh xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp, lắp đặt thêm thiết bị tự động quan trắc 10/14 hạng mục... Lắp đặt bể nuôi cá (bể thủy tinh) tại trạm nước thải công nghiệp và hồ sinh học để kiểm tra độ an toàn của nước thải trước khi xả ra môi trường.
Ông Đinh cũng thừa nhận những yếu kém trong việc quản lý nhà nước về môi trường trong thời gian qua.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hiện các sở, ngành và đơn vị liên quan đang tiến hành kiểm điểm vì để Formosa gây ra sự cố biển vừa qua.
• Cùng ngày, tại xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cùng cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 275 tấn hải sản tồn đọng nhiễm kim loại nặng, trong đó có phenol và cadimi.
Số hải sản trên (phát hiện nhiễm độc và niêm phong từ tháng 10-2016) được tiêu hủy theo hình thức chôn lấp trong hố rải bạt lót, rải vôi và phun thuốc khử khuẩn Cloramin B.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn Hà Tĩnh có 42 kho cấp đông, kho lạnh còn tồn hơn 2.000 tấn hải sản, trị giá hàng ước tính hơn 106 tỉ đồng. Trong số hải sản còn tồn kho trên, tổng khối lượng sản phẩm đã kiểm nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là hơn 960 tấn.