Để Tết Trung thu trở nên thú vị hơn

(PLO)- Tết Trung thu là dịp sum họp, không chỉ có bánh trung thu với mâm cỗ đầy mà còn cần tạo không gian cho trẻ em chơi cùng nhau một cách sáng tạo.

Gần đến Tết Trung thu, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thường hay tổ chức workshop để các em tự tay làm bánh trung thu tặng gia đình.

De-Tet-Trung-thu 2 2.jpg
Các bé học lớp lá chuẩn bị làm bánh trung thu.

Cho con trẻ một không gian để cùng nhau phá cỗ

Tết Trung thu năm nay, con của tôi đang học lớp lá được trường tổ chức làm bánh trung thu và cho mang về nhà. Cả nhà quây quần sau một ngày làm việc, học tập bên chiếc bánh bé tí, xem đó như là một điều hết sức kỳ lạ, xen lẫn vui mừng vì nó được làm từ bàn tay bé xíu, xinh xắn của các con ở trường mẫu giáo.

Chiếc bánh được chia ra năm phần để ai cũng được thưởng thức. Thật ngạc nhiên, bánh con làm có mùi thơm phức, bùi bùi, ngon ngót đầu lưỡi, cảm giác rất ngon và ấm áp. Các thành viên trong gia đình nói những lời ngợi khen với hai cậu bé sinh đôi vì đã làm được chiếc bánh thơm ngon như thế.

de-tet-trung-thu-1-2452-7466.jpg
Cô giáo hướng dẫn các bé làm bánh trung thu.

Từ lâu rồi, chắc có lẽ đã nhiều năm tôi không còn cảm giác không khí của ngày Tết Trung thu đúng nghĩa, cũng như cô con gái mười tuổi của tôi cũng không hào hứng về điều đó. Mặc dù, theo thủ tục chung là mua bánh trung thu (hoặc được tặng từ công ty), một cái lồng đèn và dạo phố xem đèn lồng, múa lân.

Có những năm, gia đình tôi tự làm bánh và ăn cùng nhau, tự chế biến những chiếc lồng đèn, xe hoa đăng từ những chiếc lon sữa bột rồi chạy xung quanh nhà nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

De-Tet-Trung-thu 33.jpg
Đốt đèn chơi Tết Trung thu.

Mãi sau này tôi mới nhận ra là trẻ em thiếu môi trường tự do của chúng, cho chúng cùng chơi với nhau, cùng sáng tạo và cùng phá cỗ một lần đáng nhớ, như mình hồi còn nhỏ ở quê vậy.

Hồi đó, mỗi dịp Trung thu là tụi con nít trong xóm hú nhau đi chặt lá dừa, tre nứa, vỏ xe hay gom củi khô để cùng làm lồng đèn, làm đuốc, rồi đốt đống lửa khi đã cuối ngày trung thu, ngồi bên nhau kể những chuyện thật thần bí, hay lùi khoai bắp, ăn no rồi mỗi đứa trở về nhà ngủ, mang theo cả một mùa trung thu trong ký ức.

Tết Trung thu còngọi là Tết đoàn viên

Trung thu là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch.

Trong ngày Tết Trung thu, người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi làm cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông Tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái, hoa quả...

De-Tet-trung-thu 44.jpg
Các lồng đèn tự chế của tác giả.

Ngày nay, vào dịp Trung thu, ở các khu phố trong các quận, huyện ở TP.HCM hầu như đều có tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em được nhiều phụ huynh lựa chọn đưa con đến cùng vui chơi, chụp ảnh.

Theo những gì được viết trên bia chùa Đọi 1121, Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng 8 gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung thu.

Trải qua hàng ngàn năm, người Á Đông quan niệm rằng con người có mối liên hệ giữa cuộc đời và trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui, nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm