Mấy ngày nay, dư luận và cư dân mạng “dậy sóng” khi truyền tay nhau đoạn clip trả lời ứng xử của cuộc thi Hoa hậu Đại dương diễn ra tối 25/5 tại Bình Thuận. Trả lời câu hỏi: "Trước việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, em có suy nghĩ thế nào?", thí sinh Phan Thị Thu Phương đã nói hết sức ngô nghê: "Khi biết về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD tại vùng biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất là bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, về vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn."
Câu trả lời này khiến rất nhiều người cười nghiêng ngả, đồng thời, bức xúc phê phán, dè bỉu nhân vật chính. Không ít người còn dùng những từ ngữ miệt thị, cay nghiệt kiểu “chân dài, não ngắn” để nói về mối liên hệ giữa sắc đẹp và trí tuệ không song hành cùng nhau.
7 thí sinh thi ứng xử ở cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2014 (Ảnh: Việt Quốc) |
Lâu nay, “thảm họa” thi ứng xử xảy ra ở các cuộc thi người đẹp, hoa hậu không phải là chuyện lạ, từ cuộc thi cấp quốc gia như Hoa hậu Việt Nam đến những cuộc thi cấp khu vực, tỉnh, thành và trường học. Những ai thường xuyên theo dõi các cuộc thi sắc đẹp chắc vẫn không quên màn ứng xử “bất hủ” của một thí sinh với câu nói “Em mơ ước trở thành chim, hí hí…”. Hay gần đây nhất, cuộc thi Người đẹp Kinh Bắc 2014, khán giả cũng cười ngả nghiêng khi một thí sinh cất tiếng: “Bắc Linh là cái lôi của quan họ. Đến với cuộc thilày, lần đầu em được nghe hát Quan họ từ cô Thuý Cải và các liền anh liền chị, em thấy rất là thích…”
Chính vì thế, phần thi ứng xử thường xuyên trở thành nỗi lo lắng và áp lực lớn nhất của Ban tổ chức (BTC) các cuộc thi sắc đẹp. Mới đây, người viết bài này về đưa tin cuộc thi Người đẹp Hạ Long 2014, khi trao đổi với BTC thì được biết trong 7 ngày diễn ra cuộc thi, dù các hoạt động tập luyện, giao lưu bên lề rất nhiều nhưng BTC dành tới 5 buổi để trau dồi cho thí sinh kỹ năng ứng xử, giao tiếp và khả năng trả lời ứng xử trên sân khấu.
Việc rèn luyện mất rất nhiều công sức từ giảng giải, cung cấp kiến thức căn bản về chủ đề của cuộc thi đến cách luyện phát âm, diễn đạt sao cho không bị ngọng, ngô nghê... Cuối cùng, màn thi ứng xử của cuộc thi “Người đẹp Hạ Long 2014” đã diễn ra suôn sẻ trước hàng nghìn khán giả ở sân khấu nhạc nước Tuần Châu và hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình.
Trở lại với BTC cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2014, họ cũng đã rất chú trọng màn thi ứng xử. Bằng chứng là những tấm ảnh rò rỉ trên mạng cho thấy, các thí sinh đã được…BTC in sẵn đề cương câu hỏi và đáp án để học thuộc. Tuy nhiên, khi lên sân khấu, do tâm lý không vững và “run quá” nên thí sinh đã trả lời ngô nghê và gây cười như vậy.
Thí sinh Hoa hậu Đại dương học thuộc đáp án thi ứng xử (Ảnh: FB) |
Tuy nhiên, ai cũng thấy cách làm này đang đầy mỉa mai và không ổn. Kiến thức phải là thứ được tích lũy trong đầu chứ không phải là việc học thuộc như một “con vẹt”. Việc BTC hướng thí sinh quan tâm đến những chuyện thời sự, chính trị, xã hội…nóng bỏng là chủ ý tốt, song, với cách đặt câu hỏi gượng ép và "nhồi nhét" đáp án kiểu như vậy thì tất yếu sẽ xảy ra việc trả lời ngô nghê, sáo rỗng.
Qua chuyện “thảm họa” ứng xử này, thay vì cay nghiệt phê phán các thí sinh, có lẽ việc cần quan tâm hơn là về cách thức tổ chức các cuộc thi sắc đẹp hiện nay và việc rèn luyện, trau dồi trí tuệ, phông văn hóa cho các người đẹp như thế nào? Đó không chỉ là chuyện thi ứng xử trên sân khấu mà còn cả chuyện ứng xử ở hậu trường các cuộc thi.
Mấy ngày nay, chuyện Triệu Thị Hà - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 xin trả lại danh hiệu vẫn chưa hết ồn ào trên báo chí. Cô làm đơn xin trả lại vương miện vì chịu quá nhiều áp lực công việc của một Hoa hậu cộng với sức khỏe không tốt. Ngoài ra, một trong những lý do khiến cô mạnh dạn nộp đơn xin trả lại vương miện là “thường xuyên bị gọi đi tiếp khách cho BTC mà tôi không biết mục đích của nó là gì”.
Bà Đoàn Thị Kim Hồng, nguyên Trưởng BTC cuộc thi này đã lên tiếng bác bỏ thông tin đó, thế nhưng, công chúng vẫn còn nhớ ở cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng từng bị “tố” mua giải, và không ít thí sinh của cuộc thi này lên tiếng phàn nàn khi bị BTC “hành” đến nỗi không đủ sức để tham gia tiếp. Rõ ràng, để xảy ra những lùm xùm như vậy là do lỗi của BTC đã thiếu chuyên nghiệp, ứng xử kém trong quá trình thực hiện.
Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 (Ảnh: FB) |
Ngày 20/5 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thi người đẹp người mẫu, trình diễn thời trang là loại hình cần được phát huy mạnh trong những năm cuối của giai đoạn 2014-2020 và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sau 2020. Có lẽ, đây không phải là một mục tiêu viển vông bởi thực tế, các cuộc thi sắc đẹp hiện nay luôn giành được sự quan tâm rất lớn của công chúng và các doanh nghiệp. Doanh thu từ quảng cáo, du lịch qua các cuộc thi này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội khá lớn.
Song, để biến nó thành “ngành công nghiệp mũi nhọn” như ý tưởng thì ngành văn hóa có nhiều việc cần phải làm ngay, từ việc tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc chỉ đạo tổ chức các cuộc thi chuyên nghiệp, bài bản hơn…Còn nếu cứ mãi lúng túng trong việc “tước vương miện”, “thu hồi danh hiệu” (như trường hợp Hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương, Triệu Thị Hà), nếu các cuộc thi sắc đẹp vẫn đầy “sạn”, đầy “thảm họa ứng xử” như vừa qua…thì mục tiêu kia mãi vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi./.
Theo Công Hân/VOV online