Thời gian qua, hai nơi cung cấp máu cấp cứu ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ là Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TP.HCM và Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy xảy ra nguy cơ thiếu máu do nguồn máu dự trữ gần cạn kiệt.
Máu dự trữ sắp chạm đáy
Theo ban tổ chức hiến máu ở hai nơi, do lo ngại dịch COVID-19, người dân ngại đến nơi đông người nên hoạt động lấy máu tại chỗ cũng hạn chế, bên cạnh đó nhiều tour lấy máu lưu động bị hủy nên nguồn máu sụt giảm nghiêm trọng.
Do đó, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM và Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đã kêu gọi người hiến máu trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi tin nhắn vận động người hiến máu, kêu gọi các đơn vị tổ chức cho người lao động hiến máu, vận động các BV tăng cường lấy máu...
Theo dõi một buổi tổ chức hiến máu của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM (đơn vị tổ chức hiến máu, tiếp nhận máu, sau đó chuyển về BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM xử lý) mới đây ở Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1), người hiến máu khá yên tâm khi được cho khai báo y tế, đo thân nhiệt, ngồi bố trí giãn cách, khu vực kiểm tra sức khỏe, sàng lọc trước khi lấy máu và chỗ tiêm khá rộng rãi.
Chị Ngô Thị Mỹ Phương (làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM) chia sẻ: “Trước khi đăng ký đi hiến máu, tôi cũng hơi lo vì sợ tập trung đông người nhưng khi đến đây, tôi thấy khá yên tâm khi công tác hiến máu được tổ chức chu đáo, các ghế ngồi chờ khám, hiến máu đều được bố trí khoảng cách an toàn, lượng người không quá đông, mỗi đợt 15 phút chỉ chừng 20 người đến”.
Để có nguồn máu ổn định không chỉ trong dịch COVID-19
Hiện tại, đại diện BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM và Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy cho hay sau thời gian kêu gọi, người dân đang tích cực hiến máu và nguồn máu của hai nơi hiện tạm ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc vận động hiến máu là một trong những giải pháp bổ sung nguồn máu dự trữ có hiệu quả nhưng chưa được bền vững.
BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, cho biết BV chịu trách nhiệm cung cấp chế phẩm máu cho tất cả BV trong TP.HCM và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ. Theo BS Dũng, mặc dù do ảnh hưởng dịch, nguồn máu dự trữ sụt giảm nhưng ngân hàng máu không thể dự trữ nhiều hơn 12.000 túi máu, vì nếu dự trữ nhiều hơn, túi máu sẽ bị quá hạn sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo ngân hàng máu ổn định phải có lượng người hiến máu thường xuyên hằng ngày.
Ngoài các phương pháp vận động truyền thống nhằm tăng cường nguồn máu, BS Dũng cho biết đã tham mưu Sở Y tế gửi văn bản cho UBND TP chỉ đạo cho các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị, cơ quan đóng trên địa bàn của mình không hủy các tour hiến máu lưu động. Mặt khác, việc hiến máu vẫn đảm bảo phòng dịch cho người đi hiến máu yên tâm.
Người đi hiến máu tại Nhà văn hóa Thanh niên do Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM tổ chức mới đây. Ảnh: HOÀNG LAN
BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, cho biết trung tâm chịu trách nhiệm cung cấp máu cho BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và năm tỉnh miền Đông Nam bộ.
Theo BS Oanh, nguồn máu cung cấp cho các trung tâm truyền máu chưa ổn định có nhiều nguyên nhân. Ở nước ta, máu không thể lưu trữ lâu dài như các nước tiên tiến, vì để làm hệ thống dự trữ máu đông lạnh rất tốn kém, đội chi phí của chế phẩm máu lên rất lớn. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, các BV tuyến tỉnh tự tổ chức lấy máu để cung cấp cho đơn vị mình nhưng với cơ chế mới, các BV này không tham gia lấy máu nữa mà lấy máu được sàng lọc, xử lý, đảm bảo chất lượng an toàn do trung tâm cấp. Trung tâm thường xuyên tổ chức đội đến các tỉnh lấy máu nhưng việc đi lấy máu thường xuyên với điều kiện nhân lực hạn chế khá vất vả, nhất là trong tình hình dịch bệnh.
Do đó, theo BS Oanh, để có nguồn máu ổn định lâu dài, bên cạnh việc tổ chức lấy máu tại các điểm cố định ở các địa phương cho người dân thì cần có sự tham gia tiếp nhận máu của các BV tỉnh. BS Oanh cho biết đã đề nghị Viện Truyền máu - Huyết học trung ương và Bộ Y tế xây dựng thông tư quy định các BV tỉnh tham gia lấy máu cùng các trung tâm truyền máu. Theo đó, trung tâm truyền máu sẽ đào tạo nhân sự lấy máu ở các BV tỉnh, BV tỉnh chỉ cần tiếp nhận máu tại chỗ, trung tâm truyền máu sẽ cho xe đi lấy về xử lý, sau đó phân phối chế phẩm máu được xử lý về lại cho BV tỉnh.
“Chẳng hạn ở nước ngoài như Hàn Quốc và Nhật đều có các điểm lấy máu cố định, người dân đi chợ cũng có thể cho máu được, khi có máu thì báo về trung tâm truyền máu cử xe đi một vòng gom về” - BS Oanh nêu ví dụ.
Mặt khác, theo BS Oanh, hiện nay việc lấy máu còn tập trung ở từng khu vực, các trung tâm xử lý máu chưa liên kết, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên khó hỗ trợ lẫn nhau, nơi thừa nơi thiếu, số máu sử dụng không hết có khả năng hết hạn phải hủy nên rất cần có sự điều phối quốc gia.
Người dân nên hiến máu định kỳ ba tháng/lần BS Phạm Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, cho biết hiến máu nhân đạo là một hoạt động thiết yếu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ cần ba tháng thì người hiến máu có thể hiến lại được. Nếu mỗi người cùng duy trì thời gian hiến máu ổn định thì sẽ đảm bảo nguồn máu cho ngân hàng máu, tránh tình trạng thiếu hụt cấp. Theo BS Anh, nếu như địa phương không tổ chức thì người hiến máu có thể đến những địa điểm cố định tại TP.HCM như BV Truyền máu - Huyết học (118 Hồng Bàng, quận 5 - quận 10), Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM (106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình) để thực hiện việc hiến máu. |