Sau 120 phút làm bài thi, nhiều thí sinh nhận định đề thi không quá khó và mang tính thời sự.
Đề thi môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 tại TP.HCM
Nhận xét về đề thi, cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên trường THCS Lê Qúy Đôn, quận 3, cho rằng, đề thi vừa sức và không đánh đố các em.
Vẫn như mọi lần, đề của Sở GD&ĐT TP.HCM luôn được nhiều người thích thú và đề thi năm nay cũng không ngoại lệ.
Phần đọc hiểu lấy đúng từ trong thực tế cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và đặt vấn đề về chủ đề “Lắng nghe”. Một chủ đề khai thác được suy nghĩ cá nhân của các em.
Không riêng phần đọc hiểu mà phần nghị luận xã hội và phần nghị luận văn học của đề thi đều hướng đến đề tài này.
Lắng nghe chính mình, cuộc sống xung quanh, lắng nghe thế giới tự nhiên để từ đó ta chọn cách sống cho minh, gắn kết với gia đình, tự nhiên. Với đề bài này, các em sẽ nói được lên chính kiến của mình.
"Trong đề thi tôi thích nhất là đề 2 của phần nghị luận văn học. “Lắng nghe tác phẩm – hiểu về cuộc sống”. Các em sẽ chọn đề này nhiều vì đó là trải nghiệm của chính các em về thanh âm mà tác phẩm mang đến cho mình. Mỗi tác phẩm sẽ có sự cảm nhận riêng của mỗi người, mỗi thanh âm khác nhau. Tránh được tình trạng văn mẫu".
“Với đề thi này, điểm 7 sẽ nhiều vì đề rất thoáng cho học sinh lựa chọn và bày tỏ chính kiến”, cô Xuân nói thêm.
Đồng quan điểm, một giáo viên trường THCS Tân Sơn, Gò Vấp đến động viên học trò tại điểm thi trường THCS Nguyễn Trãi, Gò Vấp cho hay đề thi hay từ phần đọc hiểu đến nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần đọc hiểu bám với thời sự.
Câu nghị luận xã hội rất gần gũi, có giá trị nhân văn rất cao. Bởi yêu thương không phải những gì cao siêu, lắng nghe cũng là một biểu hiện của yêu thương. Từ đó, giúp học sinh phải biết lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác.
Phần nghị luận văn học, các em được lựa chọn nội dung mà mình yêu thích vì thế khi viết các con sẽ có cảm xúc. Hơn nữa, những thông điệp được gửi gắm cùng đoạn thơ rất ý nghĩa trong hướng thiện cho học sinh, giáo dục cho học sinh về nhân cách, về lẽ sống.
Nói chung đề thi hay, đáp ứng đúng chuẩn kỹ năng, hiểu biết nhưng đồng thời giáo dục nhân cách học sinh.