Hãng hàng không xoay trở, tháo ghế để chở hàng mùa dịch

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp khiến đường bay quốc tế và nội địa gần như tê liệt, các hãng hàng không Việt Nam đã thu hẹp quy mô khai thác, giảm số chuyến bay xuống tối thiểu.
Để đảm bảo an toàn khai thác, hiện các hãng bố trí khai thác luân phiên, đồng thời đưa vào bảo dưỡng định kỳ hoặc bảo quản để chờ thị trường hồi phục. Trước tình trạng vận chuyển hành khách ảm đạm kéo dài, các hãng hàng không đã hoán cải máy bay chở khách để chở hàng, mang lại doanh thu khả quan, tạo tiền đề để các hãng bay tính đường dài mở đội bay chuyên chở hàng hóa.

Các hãng hàng không xoay xở cải thiện doanh thu nhờ mảng vận tải hàng hóa. Ảnh: CTV

Hoán cải máy bay chở khách để chở hàng
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá thị trường vận tải hàng hóa hàng không quốc tế trong giai đoạn 2021-2030 dự kiến sẽ tăng trưởng do nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khi kinh tế và thương mại thế giới bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Theo IATA, tăng trưởng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại thị trường Việt Nam ước đạt khoảng 11% trong giai đoạn 2010-2019, dự báo tăng trưởng khoảng 12% trong giai đoạn 2021-2030. 
Với đội bay hùng hậu khoảng 100 chiếc gồm nhiều chủng loại máy bay khác nhau, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 2-2020, Vietnam Airlines đã tiến hành hoán cải máy bay thân hẹp Airbus 321 và dòng máy bay thân rộng (Boeing 787, Airbus 350) để chở hàng trên cabin. Đồng thời làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.
Đại diện hãng cho biết Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức được hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Doanh thu vận chuyển hàng hóa đóng góp gần 30% doanh thu của hãng, còn giai đoạn trước khi dịch bùng phát chỉ chiếm 9%. 
Tính chung sản lượng hàng hóa vận chuyển của hãng này sáu tháng đầu năm 2021 đạt gần 100.000 tấn, trong đó tập trung tăng trưởng tốt nhất là mảng vận chuyển hàng hóa trên các đường bay quốc tế. Doanh thu vận chuyển hàng hóa ước tăng hơn 12% so với mục tiêu đầu năm đặt ra. Riêng hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế tiếp sức cho cả nước phòng chống COVID-19,  hãng đã vận chuyển miễn phí gần 180 tấn. 
“Trong giai đoạn 2022-2025, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường phục hồi trở lại, hãng sẽ tiếp tục khai thác trọng tâm phần tải hàng hóa ở khoang bụng trên các chuyến bay chở khách, tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả đội máy bay hoán cải chở hàng. Cùng đó, từng bước đầu tư và đưa vào khai thác đội máy bay chở hàng chuyên dụng vào thời điểm thích hợp khi nguồn lực tài chính cho phép” - đại diện hãng nói.
Ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không VietJet và Bamboo Airways cũng có những bước đi tương tự, tuy nhiên sản lượng khai thác không lớn do số lượng máy bay ít và số máy bay hoán cải không nhiều. Theo ghi nhận, các hãng này thời gian qua chở vải thiều đi một số nước, đặc biệt chở thiết bị y tế trên nhiều chặng bay để phục vụ hoạt động phòng chống dịch COVID-19. 
Chưa có đội bay chở hàng chuyên dụng
Để giải tỏa tình trạng máy bay nằm sân, tháo gỡ khó khăn cho các hãng bay, thời gian qua Cục Hàng không Việt Nam đã có hướng dẫn các hãng hàng không áp dụng khi vận chuyển hàng hóa trên khoang khách đối với loại máy bay thân rộng và thân hẹp gồm hàng hóa để trên ghế, tháo một phần hoặc toàn bộ ghế để chất xếp hàng hóa. 
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá hiện thị trường vận chuyển hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh. Tuy nhiên, thị trường vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của sáu hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, VASCO và Vietravel Airlines với đội máy bay khai thác 100% là chủng loại máy bay chuyên chở hành khách, kết hợp vận chuyển hàng hóa, bưu kiện.
Do các hãng hàng không chưa đưa vào khai thác chủng loại máy bay chuyên chở hàng hóa chuyên dụng nên hoạt động vận chuyển hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào các chuyến bay chuyên chở hành khách. Thông thường, sau khi ưu tiên tính toán tải trọng hành khách, hành lý ký gửi theo hành khách, các hãng hàng không mới thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa kết hợp trong lượng tải còn dư thừa. 
Nhà chức trách hàng không phân tích hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không nội địa chủ yếu là những hàng hóa có tính chất đặc thù, ưu tiên về thời gian vận chuyển hoặc một số mặt hàng cao cấp, có giá trị kinh tế lớn nhưng chiếm tỉ trọng rất nhỏ về khối lượng so với việc vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.•
 
Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dịch COVID-19 vẫn chưa được dập tắt, nhu cầu di chuyển của hành khách bằng đường hàng không sụt giảm đáng kể. Trái lại, nhu cầu vận chuyển hàng hóa là các nhu yếu phẩm y tế tăng vọt. Đồng thời việc đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng.
Trong khi đó, các hãng hàng không của Việt Nam chưa khai thác máy bay chở hàng chuyên dụng nên khả năng cung ứng thị trường vận chuyển hàng hóa không đáp ứng nhu cầu. Theo đó, nhà chức trách hàng không đã có hướng dẫn các hãng hàng không áp dụng khi vận chuyển hàng hóa trên khoang khách trong hai trường hợp là hàng hóa để trên ghế, tháo một phần hoặc toàn bộ ghế để chất xếp hàng hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm