Ghi nhận trên đường Huỳnh Tấn Phát đoạn qua phường Phú Xuân, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè và phường 18, quận 7 có nơi ngập sâu gần 0,5 m. Đường Lê Văn Lương đoạn qua hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cũng bị ngập sâu hơn 0,4 m khiến giao thông trên tuyến đường này bị ùn ứ kéo dài. Phần lớn xe máy không thể lưu thông, học sinh ở đây đến trường bằng xe ba gác. Một người dân cho biết mỗi lần nhờ xe ba gác chở xe máy qua điểm nước ngập hết 50.000 đồng.
Đường Hồ Học Lãm đoạn giao nhau với đại lộ Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân cũng bị ngập khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.
Đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè mênh mông nước, không thể di chuyển, người dân phải đẩy bộ xe. Ảnh: NT
Tại quận 2, đường Quốc Hương, đường 41, đường 65, đường Nguyễn Văn Hưởng… nước ngập dâng cao đã tràn vào một số nhà. Chị Hạ, một chủ quán cà phê bên đường Nguyễn Văn Hưởng cho biết mấy ngày nay hôm nào cũng ngập nhưng hôm qua và sáng nay ngập sâu nhất. “Nước tràn vào quán, không buôn bán được gì” - chị Hạ nói.
Khu Thảo Điền, quận 2 là nơi có nhiều biệt thự, căn hộ sang trọng, trường quốc tế..., có nhiều người nước ngoài sinh sống, triều cường dâng cao làm khu vực này chìm trong nước.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, do ảnh hưởng của gió đông Bắc có cường độ mạnh trên biển Đông, mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh ở mức cao trong hai ngày 5 và 6-12 và hiện đã đạt đỉnh. Mực nước thực đo cao nhất tính đến sáng 6-12 tại một số trạm như sau: Trạm Phú An trên sông Sài Gòn 1,71 m, cao hơn báo động 3; trạm Nhà Bè trên sông Đồng Nai lên mức 1,72 m. Mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ xuống trong những ngày tới nhưng vẫn còn ở mức cao.