Làng nghề đúc đồng hơn trăm tuổi vẫn 'đỏ lửa' ở Thành Diên Khánh

Làng nghề đúc đồng hơn trăm tuổi vẫn 'đỏ lửa' ở Thành Diên Khánh

(PLO)- Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây có truyền thống hơn trăm năm lịch sử vẫn đang tồn tại và phát triển qua bao nhiêu thăng trầm.
Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Thôn Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh nằm cách TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hơn 10 km về phía tây nổi tiếng với làng nghề đúc đồng có lịch sử hơn trăm năm. Nơi đây chuyên đúc những đồ đồng tinh xảo như lư hương, chân đèn, các đồ thờ tự. Làng nghề này được Vua Tự Đức chính thức sắc phong công nhận.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Những ngày cuối năm, làng nghề vẫn tất bật nổi lửa nấu những mẻ đồng cuối cùng. Trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, những người thợ lành nghề với đôi bàn tay tài ba, khéo léo đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo được khách hàng ưa chuộng.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Nghệ nhân Biện Cư (73 tuổi) cho biết gia đình có truyền thống làm nghề đã nhiều đời. Theo nghệ nhân này, để có một sản phẩm tinh xảo, người thợ đúc đồng phải thực hiện nhiều công đoạn như làm khuôn đúc, nung khuôn, nấu đồng và rót đồng vào khuôn, gia công hoàn chỉnh một sản phẩm. Trong đó, công đoạn làm khuôn rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Khuôn đúc đồng được làm bằng đất sét dẻo trộn chung với một số nguyên liệu để đảm bảo độ liên kết. Người thợ sẽ tạo các họa tiết trên khuôn. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân để tạo ra bề mặt khuôn phải mịn, không tì vết.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Khuôn sau đó được đưa vào lò nung. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải luôn kiểm soát được ngọn lửa đều để khuôn không bị "sống" hoặc quá lửa.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Sau khi làm khuôn, thợ bắt đầu nổi lửa nấu đồng. Đồng phôi được đổ vào lò nung ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C từ 10 đến 12 giờ. Thợ nấu phải đổ thêm đồng vào lò nấu đồng thời vớt bỏ những tạp chất trong đồng để có được mẻ đồng nguyên chất.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Sau khi nấu, đồng sẽ được rót vào các khuôn để tạo sản phẩm. Người thợ phải rót liên tục không ngừng tay để sản phẩm không bị những vết chắp nối. Mặc dù làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao nhưng người thợ luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ từng động tác.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Đồng sau khi đúc sẽ được gia công cắt gọt, tiện, làm gai...

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Ông Cư kể trước đây làng nghề vốn hoạt động theo quy mô nhỏ, các sản phẩm được gia công và sản xuất theo từng hộ gia đình. Hiện nay, làng nghề có 40 hộ gia đình làm nghề. Những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của thời tiết mưa lớn kéo dài nên các sản phẩm gia công tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, giá đồng và các nguyên vật liệu tăng mạnh khiến người làm nghề khó khăn.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

Một bộ sản phẩm đồ thờ cúng đầy đủ bao gồm hai chân đèn, lư đồng cắm nhang, hai ly đài nước và quả bồng sẽ có giá từ 3 - 4 triệu đồng. Một số khách hàng đặt thêm bình hoa, chân hạc, các mặt hàng trang trí khác cũng được đáp ứng.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây

“Nghề đúc đồng mặc dù còn nhiều khó khăn và không giàu nhưng tôi vẫn gắn bó duy trì với nghề. Tôi cũng truyền dạy lại cho các con trẻ thế hệ sau để giữ gìn và phát huy làng nghề hàng trăm tuổi này” - ông Cư nói.

Để hỗ trợ cho làng nghề, chính quyền địa phương đã thành lập hợp tác xã Đúc Phú Lộc và xây nhà thờ Tổ đúc đồng.

Đọc thêm