Phát biểu tại hội nghị này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Đức Hạnh cho hay: “Tài sản nhà nước bị thất thoát kinh khủng, đặc biệt trong vấn đề quản lý đất đai cũng như thoái vốn nhà nước. Tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi và phức tạp, phát hiện tham nhũng qua thanh tra hạn chế, trong khi chống tham nhũng còn thiếu chủ động, kể cả xử lý qua đơn thư, phát hiện tham nhũng còn chậm, lúng túng”.
Chuyển cơ quan điều tra 49 vụ
Theo báo cáo của TTCP, trong sáu tháng đầu năm 2017, qua thanh tra hành chính và chuyên ngành, toàn ngành đã phát hiện số tiền vi phạm lên đến hơn 29.000 tỉ đồng và 4.700 ha đất. Ngành thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 19.521 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện nay, các cơ quan thanh tra cũng đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 trường hợp liên quan.
Theo báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức của TTCP, có 77 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do dư luận, phản ánh của nhân dân, báo chí.
Tại hội nghị trực tuyến, liên quan đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh cho biết trong sáu tháng chỉ phát hiện một trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Riêng về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, ông Hạnh cho biết ngành thanh tra phát hiện 47 vụ và 66 đối tượng có hành vi, liên quan đến tham nhũng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phải chú ý vấn đề xã hội quan tâm
Tại hội nghị trực tuyến, Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh cho biết tình hình khiếu kiện đông người trong thời gian gần đây tăng cả về số lượng vụ việc. Trong đó có những vụ diễn biến phức tạp, điển hình như Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), Yên Định (Sơn Động, Bắc Giang), Đông Phong (TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu), tại UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), Cư Klông (Krông Năng, Đắk Lắk).
Lý giải về tình trạng này, ông Hạnh cho biết việc “Khiếu kiện đông người là do bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, bôi xấu, đe dọa làm ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, nhân dân. Đặc biệt ở một số địa phương đã xảy ra hiện tượng công dân tập trung đông người biểu tình, phản đối chính quyền địa phương, gây rối và ngăn cản, bắt giữ cán bộ”. Theo ông Hạnh, đối với TTCP, cơ quan này đã xử lý gần 2.000 đơn thư khiếu kiện, đồng thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, trả lời công dân. Trong khi đó riêng các bộ, ngành, địa phương cũng đã phải xử lý gần 90.000 đơn thư khiếu nại.
Tuy nhiên, theo ông Hạnh, đến nay giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, đặc biệt giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hiệu tượng đùn đẩy, né tránh, nhiều vụ việc giải quyết chậm, chưa dứt điểm dẫn đến có những nơi thành điểm nóng… “Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo đang có vấn đề, đặc biệt là ở cấp cơ sở, rất nhiều vụ việc khi giải quyết bỏ qua các chi tiết quan trọng, gây khiếu kiện kéo dài, dân bức xúc vì không tâm phục khẩu phục” - ông Hạnh nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu ngành thanh tra cần chấn chỉnh đạo đức, tác phong công vụ đối với một số cán bộ, công chức trong ngành thanh tra. Đặc biệt, ngành thanh tra phải chú ý đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tránh để người dân không đồng tình, bức xúc, làm nảy sinh điểm nóng như thời gian qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra đừng để bị cám dỗ, không để bị mua chuộc, không vì bất cứ sức ép nào mà không thực thi đúng pháp luật. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế của ngành thanh tra là chất lượng một số vụ việc thanh tra còn hạn chế, thậm chí có những vụ việc thiếu khách quan, chưa chính xác khiến người dân bức xúc. Các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra đến nay còn ít và kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng còn khiêm tốn”.