Ngày 24-8, TAND TP.HCM đã tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ ông Lê Văn Năm (SN 1963, ngụ ở Bình Thạnh) tranh chấp hợp đồng dịch vụ với ông Võ Đại Hoài An (nhạc sĩ Hoài An, SN 1977).
Giấc mơ ca sĩ
Nguyên đơn trình bày, năm 2012 do muốn con trai mình là Lê Hoàng Dũng trở thành ca sĩ nên qua bạn bè giới thiệu ông gặp nhạc sỹ (NS) Hoài An và hai bên ký hợp đồng kinh tế. Nội dung là NS Hoài An sẽ thực hiên cho con trai ông một album gồm chín bài hát gồm nhiều thể loại, phải đảm bảo chất lượng và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chung như internet, báo giấy, đài phát thanh... với thời gian thực hiện hợp đồng là hai năm kể từ ngày ký.
Bên ông sẽ được sở hữu quyền liên quan đến album và có trách nhiệm đảm bảo lịch thu âm, luyện tập, cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh. Chi phí sáng tác là 1000 USD/bài, hoà âm 100-150 USD/bài, phí quản lý, thực hiện 2.000 USD/tháng... Ông đã hai lần giao tiền gồm một lần hơn 166 triệu và một lần 10.000 USD.
Nhưng theo ông sau khi nhận tiền, NS không thực hiện và né tránh ông nên ông khởi kiện huỷ hợp đồng và đòi lại tiền.
Phía NS Hoài An không đồng ý. Vì NS đã thực hiện đúng cam kết sáng tác 9 bài hát và tổ chức thu âm để ra album độc quyền cho Lê Hoàng Dũng, tư vấn chiến dịch phát hành và xây dựng thương hiệu, quảng bá, viết bài giới thiệu trên báo, cử người làm trợ lý....
Đồng thời NS còn hướng dẫn, tư vấn xin giấy phép phát hành album. Còn Dũng khi thực hiện hợp đồng lại không đảm bảo lịch trình thu âm, tự ý bỏ về Mỹ bốn tháng khiến việc thu âm kéo dài gây thiệt hại. Do đó lỗi hoàn toàn thuộc nguyên đơn nên NS không đồng ý hoàn lại chi phí đã nhận.
Phía nguyên đơn ra về đồng tình với phán quyết của toà vừa tuyên
Hợp đồng vô hiệu
HĐXX nhận định, hợp đồng hai bên ký là hợp đồng dịch vụ nhưng hình thức thoả thuận thanh toán là USD là vi phạm quy định nhà nước về quản lý ngoại tệ do đó hợp đồng vô hiệu.
Ngoài ra hai bên thừa nhận bản chất hợp đồng là đào tạo ca sĩ nhưng bị đơn không xuất trình được giấy phép hành nghề, nộp thuế trong hành nghề đào tạo ca sĩ là có sai sót trong việc ký và thực hiện hợp đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, phía NS có tiến hành một số công việc theo thoả thuận như sáng tác chín bài hát, tư vấn kỹ thuật hướng dẫn cho bên nguyên đơn làm sản phẩm... Về chi phí quảng cáo, đăng báo hai bên nguyên, bị đều cho là mình thực hiện việc này nhưng không có chứng cứ chứng minh. Quá trình làm phát sinh mâu thuẫn như bên NS nói nguyên đơn không tuân thủ lịch thu âm, giọng hát còn nhiều hạn chế... Còn nguyên đơn cho là NS không hoàn thành nghĩa vụ cam kết, chất lượng thu âm không đảm bảo nên không thể phát hành...
Từ đó, toà nhận định hợp đồng vô hiệu, chấp nhận yêu cầu chấm dứt hợp đồng của nguyên đơn.
Theo nguyên tắc, hợp đồng vô hiệu hai bên phải giao trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, phía NS Hoài An cũng đã thực hiện một số công việc như đã nêu. Đây là phần không thể hoàn lại và coi như là thiệt hại của bị đơn. Trong vụ này, hai bên đều có lỗi do đó cùng phải chịu thiệt hại phát sinh. Phía nguyên đơn chấp nhận chi phí này cho bị đơn là phần tiền hơn 166 triệu đã giao cho NS. Xét thiệt hại phát sinh thuộc về sản phẩm tinh thần không thể định giá được, việc tự nguyện chịu thiệt hại của nguyên đơn là hợp lý nên ghi nhận...
NS Hoài An chỉ phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền 10.000 USD đã nhận tương đương 227 triệu đồng.