Vụ việc đau lòng xảy ra ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) khiến người ta giật mình vì không thể tin được một người mẹ mới sinh, sang chấn tâm lý đến mức nào mà có thể giết chết con mình. Giả thiết đang được nói đến nhiều nhất là bệnh trầm cảm sau sinh.
Tuy trường hợp này là cá biệt nhưng thực tế hiện nay các gia đình đều đang quá chủ quan, thậm chí chưa từng nghĩ đến vấn đề này.
Nhiều người từng kinh qua trạng thái ấy đã gửi câu chuyện của mình về báo. Hầu hết chỉ là những lỗi vô tình nhưng hậu quả lại khó lường. Một khi đã vướng trầm cảm người bệnh sẽ khó hồi phục hoàn toàn.
Vợ ơi cho anh ngủ riêng
Câu chuyện của đôi vợ chồng làm việc trong một trường ĐH. Đón thiên thần nhỏ về nhà, vợ chồng đều háo hức vây quanh đứa trẻ. Ban đầu cả nhà ngủ chung trong phòng. Một đêm vợ dậy cho con bú nhiều lần nhưng không bao giờ gọi chồng vì sợ anh mệt. Hết một tuần, kiệt sức lắm nhưng bà mẹ trẻ hạnh phúc được ngắm con, nhìn chồng.
Sang tuần thứ hai, bất ngờ chồng thỏ thẻ xin “vợ ơi cho anh ngủ riêng”. Lý do ban đêm vợ con lục đục anh cũng không thể thẳng giấc. Một tuần chịu đựng, chồng thấy quá sức nên dù vợ vui hay không anh cũng ôm gối sang phòng khác ngủ. Đêm hôm lọ mọ một mình, nghĩ chồng chỉ cách một bức tường mà như xa cả vũ trụ, chị không trách nhưng sao tủi thân quá.
Trốn con
Chuẩn bị đón con nhỏ chào đời, anh quay phim từ chối hết các show ở tỉnh để phụ vợ. Thế nhưng ở nhà với bà đẻ chưa đầy 1 tháng, dù việc không tới tay nhưng nghe con khóc váng nhà, nhìn vợ đầu bù tóc rối tã sữa, những đêm chốc chốc lại lạch cạch, leng keng liên hồi anh cũng đuối theo.
Ảnh minh họa
Dần dần, ỷ y có mẹ vợ anh càng cố tránh né lại gần phòng con. Lấy lý do đi làm, chồng về càng ngày càng muộn, cố tình ngủ quên ở phòng khác, lúc nào cũng tỏ ra bận rộn để nhanh chóng… chuồn. Vợ ở nhà thấy quá lâu không được nói câu “ba kìa con” mới nhận ra sự vắng bóng của chồng. Cô nói mẹ về nhà để chồng có trách nhiệm hơn. Không ngờ là tự rước họa khi mẹ không có mà chồng cũng không về. Một đêm, sau lần thức giấc thứ ba, nghe tiếng chồng mở cửa vào nhà, nhìn xuống cầu thang thấy người đàn ông của mình chân nam đá chân chiêu, cô thoáng nghĩ “sao muốn đạp cho anh ta một phát!”.
Có bầu còn được sao giờ lại không?
Ở cữ chưa tròn tháng cô đã được chồng nhắc nhở đừng “bỏ đói” anh. Những lời khêu gợi, ướt át trước đây vợ chồng nói với nhau mỗi ngày làm cô ngây ngất thì bây giờ nghe sao lạnh cả sống lưng. Kiếm cớ câu giờ, thoái thác, cô cũng được chồng gia hạn thêm thời gian.
Cô nói khéo bác sĩ nói ít nhất phải kiêng 6 tuần, anh đồng ý. Không may cơ địa của vợ đến hạn vẫn chưa hồi phục, chồng bắt đầu căng thẳng. Anh không thể hiểu được tại sao khi có bầu vượt mặt còn “yêu” được, nay đã sinh xong mà lại anh lại bị bỏ cho mốc meo?
Đến lúc sức chịu đựng quá giới hạn, anh tuyên bố hoặc vợ đồng ý cho anh làm chồng hoặc ký phép cho anh đi ăn bánh. Nhìn nét mặt khao khát của chồng cô cũng muốn chiều lắm chứ, nhưng… Vợ cố thử có được đâu, cơ thể đau đớn, khủng hoảng tinh thần, cô ghét bản thân mình.
Ám ảnh 100 kg than
Hơ than bất kể thời tiết vẫn còn được nhiều người áp dụng cho bà đẻ
Nhà người miền Trung, kỹ tính số 1. Bà đẻ dù sinh con giữa mùa hè vẫn bị ép nằm hơ than cho khỏe người. Khỏe đâu không thấy chỉ thấy mồ hôi vã ra như tắm, đau đầu hoa mắt, thở không lên hơi trong căn phòng khép kín. Xin đi tắm mẹ không cho, bắt kiêng một tháng. Nghĩ lại thời gian chưa sinh, được ra ngoài đi làm hít không khí, tắm gội sạch sẽ ngày hai lần, người lúc nào cũng thơm tho, mát mẻ giờ nhìn mình, ngửi mình cô thấy thực sự đau khổ. Thật không thể tin được thời này mà cô phải làm điều này, càng không tin nổi hết mùa đẻ cô đã hơ đủ 100 kg than.
Mẹ sinh con sao kỳ vậy?
Mang bầu 9 tháng được mẹ chồng chăm sóc kỹ lưỡng từ A đến Z, cô mừng lắm. Cái thai quá to, cô phải sinh mổ, em bé nặng đến hơn 4 kg. Vì con quá to trong thời gian o ép trong bụng mẹ bàn chân bé bị méo còn cổ thì nghẹo hẳn sang bên phải. Bác sĩ trấn an chỉ cần tập vật lý trị liệu sẽ hết. Nhìn đôi chân sơ sinh phải bó hai cục băng to tướng mẹ trẻ ứa nước mắt còn mẹ chồng thì xốn con mắt vì cháu bà sao không giống người ta. Xót cháu, bà cứ đi ra đi vào, lẩm bẩm lép chép nhưng câu dao cứa “mẹ sinh con sao kỳ vậy?”
Người mẹ hay bị đổ lỗi vì những vấn đề của con
Em bé sơ sinh có biết bao nhiêu vấn đề trúc trắc, trục trặc ban đầu, vàng da, viêm phổi, tắc tuyến lệ v..v… mẹ đều bị quy trách nhiệm. Mẹ sinh song yếu đuối cọng bún, nặng nhọc như con ốc sên nhưng lại phải gánh quá nhiều trọng trách một mình hoặc dưới nhiều áp lực, không hóa điên mới lạ.
Nhiều người nghĩ khi sinh con người mẹ chỉ có từ hạnh phúc đến rất hạnh phúc chứ làm gì có buồn. Điều này đúng nếu họ có không gian, thời gian lấy lại sức lực sau ca vượt cạn. Họ cần được chia sẻ không cần cưỡng ép, cần hướng dẫn không cần chê trách, cần quan tâm nhưng phải có tự do.
Hãy sát cánh bên vợ để nâng đỡ tinh thần và sức khỏe cho cô ấy sau sinh
Quan trọng nhất, đứa con là công trình của vợ-chồng, đừng giao trọn gói cho vợ, cô ấy thực sự có những hạn chế của mình.
Ở thời điểm nhạy cảm, từ hạn chế có thể sinh ra họa, cho chồng và cho cả đứa con.