Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội: Bất động sản vẫn gây… bất an

(PLO)- Tình trạng hai giá, giá giao dịch thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS đã diễn ra từ lâu và rất phổ biến, làm thất thu ngân sách nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-6, Quốc hội họp phiên toàn thể về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Nổi lên trong các chủ đề thảo luận là những biểu hiện bất thường của thị trường bất động sản (BĐS).

Thắng thầu bỏ cọc, móc ngoặc dìm giá, rút ruột Nhà nước

Nói thẳng vào câu chuyện thắng thầu bỏ cọc, móc ngoặc dìm giá, cảnh báo nguy cơ rút ruột ngân hàng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói: “Việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta với muôn vàn lý do. Vừa qua, không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này, thắng với mức đấu giá cao chót vót sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số”.

Theo bà Thủy, việc trả giá quá cao rồi bỏ cọc như vừa qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Dẫn ví dụ Thủ Thiêm, ngay sau cuộc đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lập giá trúng thầu, thực chất là giá ảo, để “té nước theo mưa”, đẩy giá đất, giá nhà ở TP.HCM lên cao, hòng bán ra một số lượng lớn nhà đất mà họ đã mua gom trước đó.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) thảo luận trong phiên họp toàn thể, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ ba, ngày 1-6. Ảnh: TN

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) thảo luận trong phiên họp toàn thể, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ ba, ngày 1-6. Ảnh: TN

Có những nhà đầu tư còn lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu của mình. Nguy hiểm hơn là có những người lợi dụng “đánh võng” giá trị tài sản bảo đảm trong các khoản vay, mà nếu thực hiện trót lọt thì không khác gì hành vi rút ruột ngân hàng. Chưa kể, việc giá đất bị đẩy lên quá cao sẽ khiến cho giấc mơ an cư của người dân thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.

ĐB Thủy cũng đề cập đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” để thông đồng dìm giá, tình trạng bắt tay ngầm, rút ruột của Nhà nước; tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá.

Dẫn ra các vụ án được xử lý gần đây, bà Thủy nói sự móc ngoặc giữa thẩm định viên và các tổ chức, cá nhân để nâng giá khi Nhà nước mua và hạ giá khi Nhà nước bán tài sản. “Mục đích cuối cùng đều là để rút ruột, gây thiệt hại cho Nhà nước và làm lợi cho một nhóm thiểu số” - ĐB Thủy nói.

Từ đó, ĐB tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an tăng cường kiểm soát, chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận vừa qua để xác minh, điều tra. Nếu đủ cơ sở thì khởi tố, xử lý hình sự, qua đó răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đồng tình với việc giám sát chặt chẽ thị trường BĐS, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đối với hành vi thao túng giá, làm giá. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tránh “hình sự hóa” quan hệ kinh tế. “Cần quan tâm đến thị trường BĐS để tránh xảy ra bong bóng BĐS trong thời gian tới” - ĐB An nói.

Chống thất thu chuyển nhượng BĐS nhưng không được… nhũng nhiễu

Cũng liên quan đến BĐS, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) lại đề cập câu chuyện chống thất thu thuế trong bối cảnh “tình trạng hai giá” vẫn đang tồn tại.

Ông cho rằng tình trạng hai giá, giá giao dịch thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS đã diễn ra từ lâu và rất phổ biến, làm thất thu ngân sách nhà nước. Khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều hướng dẫn nhưng chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề, thậm chí còn phát sinh một số hệ lụy, bất cập.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là cơ chế hai giá. Ông Bình nói: “Kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, người dân bị đánh thuế theo giá thị trường. Nhưng khi bị thu hồi đất thì bồi thường theo giá nhà nước thấp hơn rất nhiều. Đây là vấn đề bất bình đẳng trong mối quan hệ này”.

Để chống thất thu thuế, gần đây Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo ngành thuế tăng cường các biện pháp phòng ngừa với giao dịch BĐS. Tuy nhiên, theo ông Bình, nhiều cử tri phản ánh các cơ quan thuế ở cấp huyện đã dựa vào chỉ đạo này, tùy tiện trong việc giải quyết hồ sơ nộp thuế của người có giao dịch BĐS. Nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp nhận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến hai lần giá đất nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ.

“Cho rằng giá trong hợp đồng thấp hơn thực tế, cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời đến làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ. Tuy nhiên, căn cứ nào xác định giá hợp đồng sát với giá thị trường và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra” - ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng tình trạng trên dẫn đến việc một số nơi để quá hạn một lượng lớn hồ sơ thuế, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân. Một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ, buộc người dân phải chấp nhận “tiêu cực phí” cho được việc.

Ở góc độ vĩ mô, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng BĐS thời gian qua sôi động. Nhờ đó, Bình Phước thu được nhiều tiền sử dụng đất từ các đô thị vệ tinh, các đơn vị hành chính mới được quy hoạch, nâng cấp. Tuy vậy, ông cũng đánh giá rằng nguồn thu này không ổn định và đề nghị Chính phủ có giải pháp khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh để tạo động lực bền vững cho phát triển.

Nghị quyết không sớm đi vào cuộc sống cũng là… lãng phí

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói phục hồi kinh tế là “quyết tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ”. Tuy nhiên, dù Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ KH&ĐT đã đôn đốc rất quyết liệt nhưng công tác triển khai vẫn chậm so với tiến độ đã đề ra. Như thế, rất có thể những mục tiêu đề ra phải hoàn thành trong năm 2022-2023 sẽ không đạt được.

“Một câu hỏi đặt ra: Chúng ta có lý do để chậm không? Cá nhân tôi cho là không. Vì chúng ta triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong điều kiện khách quan thuận lợi là dịch bệnh cơ bản được khống chế, đẩy lùi. Xét về nguồn lực theo Nghị quyết 43 thì cũng đã sẵn sàng. Về quy trình, thủ tục đã đơn giản hóa tối đa và chúng ta cũng đã phân cấp tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương, với những quy định chưa có tiền lệ” - bà Mai nói.

Vậy việc triển khai chậm chương trình phục hồi kinh tế này có gây lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian? ĐB Hà Nội hỏi và tự trả lời: Lãng phí thời gian, cơ hội cũng là lãng phí nguồn lực, ngân sách quốc gia.

“Chúng ta đã có một kỳ họp đặc biệt, chương trình đặc biệt (kỳ họp bất thường của Quốc hội, tháng 1-2022, thông qua Nghị quyết 43 - PV) thì cũng rất cần quyết tâm đặc biệt, cách làm đặc biệt. Chính phủ cần rà soát tổng thể xem đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không đảm bảo tiến độ” - bà Mai nhấn mạnh.

Bà cũng mong thời gian tới việc triển khai Nghị quyết 43 này sẽ không lỡ nhịp, không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở nên nguội lạnh.

Kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu

Trong phiên họp toàn thể thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lập luận: Suốt hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, chính sách “tiền rẻ”, “tiền lỏng” đã phát huy mặt tích cực để nền kinh tế nước ta trụ vững, bước vào phục hồi, tăng trưởng. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là dòng tiền “dễ dãi” này đã tìm tới các kênh đầu cơ vào nhóm tài sản rủi ro, làm xuất hiện “bong bóng tài sản” ở một số lĩnh vực như BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

“Có đúng dòng tiền rẻ từ Ngân hàng Nhà nước bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán, BĐS và thị trường tài sản khác, trong lúc khu vực sản xuất, thương mại đang co lại vì đại dịch? Các đòn bẩy tài chính đã được sử dụng thế nào? Liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro là bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới?” - ĐB Đồng nêu câu hỏi và nhận định hệ lụy “thị trường tài chính - tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng tích tụ rủi ro”.

Tình hình thực tế ấy là cơ sở để Quốc hội cân nhắc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội, ban hành năm 2017, về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tới cuối năm 2023. Đây là giải pháp để không tạo ra khoảng trống pháp lý, trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo nợ vay trở nên có sức thuyết phục.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm