Sở Xây dựng Hà Nội nêu lý do vỉa hè xuống cấp sau khi lát đá tự nhiên

(PLO)- Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đa phần vỉa hè sau khi lát đá tự nhiên bị xuống cấp nhanh chủ yếu được thực hiện trong giai giai đoạn 2016-2017.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-12, bên lề kỳ họp thứ 10, HĐND TP khóa XVI, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đã thông tin với báo chí về hiện trạng nhiều tuyến phố được lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên bị xuống cấp sau thời gian ngắn đi vào sử dụng.

Ông Phong cho hay, các dự án lát đá vỉa hè do cấp quận, huyện phê duyệt, triển khai thực hiện. Sau khi dự án hoàn thành, Phòng quản lý đô thị có trách nhiệm quản lý chất lượng các tuyến phố lát đá vỉa hè.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, hiện tượng vỉa hè sau khi lát đá xuống cấp thời gian qua chủ yếu được thực hiện trước thời điểm ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21-3-2019 về việc "thiết kế mẫu hè đường phố đô thị trên địa bàn TP Hà Nội".

Vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh đang được lát lại đá. Ảnh: TP

Vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh đang được lát lại đá. Ảnh: TP

“Đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble (đá tự nhiên) thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự nó vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý” - Lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin.

Báo cáo của Sở Xây dựng về công tác lát đá vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, hiện TP có khoảng 255 tuyến phố, hè được lát đá tự nhiên. Việc chỉnh trang lát đá vỉa hè tại các tuyến phố chủ yếu tập trung ở một số quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ). Trong đó quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành việc lát đá vỉa hè 100% các tuyến phố.

Sở Xây dựng cũng chỉ rõ, giai đoạn 2016-2017, việc lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên tại các quận, huyện còn nhiều nội dung tồn tại trong việc khảo sát thiết kế, thi công, quản lý, sử dụng sau đầu tư.

Các tồn tại này đã được Thanh tra TP chỉ ra tại Kết luận số 637/KL-TTTP-P2 ngày 13-2-2018. Trong đó chất lượng mặt hè và các lớp kết cấu chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế, thiết kế vỉa hè các tuyến phố chưa có sự thống nhất, việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công tác hạ ngầm chưa đồng bộ, chưa đảm bảo về mỹ quan đô thị. Công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố còn chưa đúng mục đích, công tác bảo hành, bảo trì chưa được thường xuyên, kịp thời;….

Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn quy trình lát hè bằng đá tự nhiên, bảo trì hè sau khi lát. Sở Xây dựng cũng đã tổ chức kiểm tra 52 tuyến phố lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các quận huyện lát đá vỉa hè theo đúng quy định. Chất lượng lát đá vỉa hè đã được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng giai đoạn này vẫn còn một số tồn tại như: công tác nghiệm thu vật liệu đầu vào, quản lý chất lượng, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tại một số dự án chưa đảm bảo; công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư chưa phù hợp theo công năng thiết kế; công tác bảo hành, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức...

Trước đó, ngày 24-11, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng lát đá vỉa hè trên địa bàn TP.

Theo đó, ông Tuấn yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè. Đồng thời, ông Tuấn cũng yêu cầu Sở Xây dựng, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các địa phương trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè và công tác thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm