Từ ngày 1-3-2023, Thông tư 45/2022 của Bộ GTVT quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với ngành đăng kiểm chính thức có hiệu lực.
Theo đó, thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành đăng kiểm tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức đăng kiểm gồm: Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
“Có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, tự nâng cao trình độ, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi kiến thức mới; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ”- Điều 3 Thông tư 45/2022 nêu rõ.
Thông tư cũng quy định viên chức đăng kiểm có bốn hạng viên chức. Mỗi hạng viên chức đăng kiểm sẽ đòi hỏi tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và nhiệm vụ khác nhau.
Đơn cử như đối với viên chức đăng kiểm hạng I có nhiệm vụ: Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực đăng kiểm thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý đăng kiểm; Chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chế quản lý nghiệp vụ chuyên ngành đăng kiểm; Chủ trì tổ chức tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác đăng kiểm; Chủ trì nghiên cứu đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đăng kiểm; Chủ trì tổ chức biên soạn, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực đăng kiểm; chủ trì tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành đăng kiểm; Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với hạng này là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đăng kiểm.
Riêng về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 45/2022.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến 14 giờ ngày 26-2, cả nước có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Tuy nhiên, số đăng kiểm viên đang còn làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người.
Để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới, cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, toàn hệ thống hiện nay đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.
Trong đó, các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao) để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ.
Với tình trạng này, Cục Đăng kiểm cảnh báo trong tháng 4, có thể ùn tắc nghiêm trọng đăng kiểm xe hơn nữa và nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu kiểm định của người dân tại một số thành phố lớn.