Ngày 10-10, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình và Hà Nội tổ chức lễ thông xe tuyến Hòa Lạc-Hòa Bình.
Dự án BOT đường nối Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình là một hợp phần cùng với dự án nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai (Hà Nội) - Hòa Bình (hiện đã hoàn thành và thu phí), do Công ty BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình làm chủ đầu tư (liên danh Tổng Công ty 36 - Hanco - Trường Lộc).
Bộ trưởng Bộ GTVT và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: VIẾT LONG
Tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình dài 25,6 km, theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng với hai làn xe chạy ngược chiều. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.723 tỉ đồng, nhà đầu tư thu hồi vốn bằng thu phí qua trạm đặt tại địa phận Hòa Bình với thời gian thu phí là hơn 27 năm sáu tháng chín ngày. Thời gian thu phí chính thức dự kiến từ ngày 1-11-2018 với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con và cao nhất là 180.000 đồng/xe tải.
Như vậy, với tuyến đường mới này, thời gian đi lại giữa Hà Nội-Hòa Bình rút ngắn xuống còn khoảng một giờ 30 phút, thay vì hơn hai tiếng đồng hồ đi theo quốc lộ 6.
Tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình được xây dựng một trạm thu phí. Ảnh: VIẾT LONG
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, trong khi khu vực Tây Bắc hạ tầng giao thông đang yếu kém, đặc biệt là giao thông kết nối. Nên việc thông xe tuyến đường này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc và Hà Nội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Bắc.
Bên cạnh đó, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng thủ đô với quy hoạch chung phát triển theo hướng Tây Nam của Hà Nội. Ngoài ra, lan tỏa ảnh hưởng đến các đô thị vệ tinh (TP Hòa Bình) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực Tây Bắc.
Nhấn mạnh thời gian qua, một số tuyến đường BOT giao thông còn có nhiều ý kiến khác nhau, người đứng đầu ngành giao thông khẳng định đây là tuyến đường mới hoàn toàn, do đó vấn đề phát triển hạ tầng như vậy vừa đúng với mục tiêu của Quốc hội và phù hợp yêu cầu địa phương. "Vì vậy, tôi tin tưởng dự án này sẽ tạo được đồng thuận của người dân..." - Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Cùng ngày, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ thông xe dự án BOT cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) - Việt Trì (Phú Thọ) nối quốc lộ 32 và 32C cũng được đưa vào khai thác. Cầu Văn Lang do Công ty BOT Phú Hà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án cầu Văn Lang. Ảnh: VIẾT LONG
Tổng chiều dài dự án hơn 9,4 km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1,5 km, còn lại là phần đường dẫn kết nối với các tuyến quốc lộ 32 và 32C. Dự án khởi công từ tháng 8-2016. Bề mặt cầu được thiết kế chiều rộng 12 m, bao gồm hai làn xe cơ giới rộng 7 m và hai làn xe hỗn hợp rộng 4 m.
Với cầu Văn Lang, phương tiện từ Việt Trì (Phú Thọ) đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 30 km so với các tuyến đường hiện nay. Cùng đó, người dân Việt Trì (Phú Thọ) và Ba Vì (Hà Nội) qua lại sẽ không còn phải qua đò, tiết kiệm thêm thời gian và chi phí.
Trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án cầu Văn Lang. Ảnh: VIẾT LONG
Theo hợp đồng, thời gian thu phí qua cầu Văn Lang là 19 năm 10 tháng, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con, cao nhất 185.000 đồng/xe tải, dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 12 tới.
Hai tuyến đường đều được đầu tư mới hoàn toàn Trả lời báo chí bên lề buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định cả hai dự án khánh thành sáng 10-10 đều được đầu tư làm tuyến đường mới song song với các tuyến đường cũ, người dân có quyền lựa chọn để đi. Do đó tôi tin tưởng dự án này sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân.
Bàn về dự án cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông, Bộ trưởng cũng khẳng định đây là tuyến hoàn toàn mới, chạy song song với các tuyến khác, người dân có quyền lựa chọn để đi, điều này đúng với nghị quyết của Quốc hội và các quy định hiện hành. "Nên chúng tôi tin tưởng sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, của các ngân hàng để có thể huy động vốn tham gia dự án và đảm bảo dự án sẽ thành công" - ông Thể nhận định. |