Như PLO đã đưa, đầu giờ sáng nay, trong khi các em học sinh chuẩn bị vào lớp, một cây phượng vĩ to trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bất ngờ bị bật gốc khiến nhiều học sinh bị thương, một em ngưng tim ngưng thở trước khi được đưa đến bệnh viện.
Theo thông báo, 14 giờ 30 sẽ bắt đầu buổi họp báo nhưng nhiều phóng viên các báo đài đã có mặt tại phòng họp từ rất sớm.
Phóng viên các báo đài có mặt trước khi diễn ra họp báo khá sớm. Ảnh: NQ
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: NQ
Cây phượng bật gốc đổ trong sân trường. Ảnh: NT
Ông Trần Quang Bá, quyền Chủ tịch UBND quận 3. Ảnh: NQ
Đối với trường hợp em học sinh đã mất, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các ban ngành đoàn thể hỗ trợ gia đình. Trước mắt UBND đã tạm ứng hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng.
Cũng theo ông Bá, hoàn cảnh gia đình em này khá khó khăn, thuộc diện cận nghèo của quận. Trong khi đó, người mẹ mới sinh con nhỏ được ba ngày.
Đối với các học sinh bị thương, UBND quận cử các đơn vị đến các bệnh viện để thăm nom, xử lý. Qua sự việc, quận cũng chỉ đạo phòng GD&ĐT và các nhà trường rà soát lại cây xanh trong sân trường, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo đại diện công an quận 3, ngay sau khi có thông tin về vụ việc xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng, công an quận đã triển khai bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường.
Hiện công an vẫn đang xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, kết quả ra sao sẽ được thông tin sau.
Trước khi mất, em học sinh vẫn còn nói chuyện
Ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau vụ việc học sinh trong trường vẫn học bình thường. Trường đã cử giáo viên thăm hỏi, động viên tâm lý những em bị chấn thương.
“Tôi mới về trường công tác được ba năm. Cây phượng bị đổ được trồng năm 1996, hàng năm trường đều liên hệ với Công ty cây xanh để kiểm tra. Trong mùa dịch vừa qua, trường vẫn chăm sóc cây, cho thay đất bón, cắt tỉa những cây không an toàn.
Sự việc xảy ra rất bất ngờ. Tối qua có mưa nhưng sáng nay thời tiết khá tốt, các em lớp 6/8 khi đó đang ngồi ăn sáng trước giờ lên lớp. Vị trí các em ngồi gần cổng bảo vệ, cây phượng ngã về hướng các em đang ngồi. Do đó, khi xảy ra sự cố, các em bị thương chủ yếu là lớp 6/8" - ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, những em chấn thương nặng được trường gọi cấp cứu đưa đi bệnh viện. Một số phụ huynh nóng lòng muốn bế các em đi ngay nhưng chúng tôi sợ rằng xử lý không tốt các em sẽ bị nặng hơn nên phải chờ cấp cứu.
Riêng em Trung Kiên (đã tử vong) thì lúc mới tiếp cận em còn khá tỉnh táo, cô giáo đưa nước em uống và hỏi thăm, em chỉ nói mình hơi mệt. Lúc xe cấp cứu đến thì Kiên đã mê man. Mặc dù được các bác sĩ cấp cứu, hô hấp nhân tạo rồi chuyển đến Bệnh viện An Sinh nhưng em không qua khỏi.
Về phía Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu: đây là sự việc đáng tiếc và có thể nói là lần đầu tiên xảy ra tại TP.HCM. Vào đầu năm học, Sở luôn có văn bản chỉ đạo để đảm bảo an toàn trong trường học. Trước mùa mưa bão Sở cũng có văn bản lưu ý đối với các trường.
Hiện, trên 2000 trường học thực hiện rất tốt các hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, sự việc trên là sự việc ngoài ý muốn. Đây là bài học để toàn ngành tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, tiếp tục công tác kiểm tra.
Về việc quản lý cây xanh là thuộc về hiệu trưởng nhưng cũng có nhiều cơ quan cùng quản lý. Hàng năm đốn hay không đốn cây do Sở xây dựng quản lý. Còn cây nào lớn trên 10m, nhà trường muốn đốn bỏ đi cũng phải làm văn bản gửi cơ quan chức năng để xuống thẩm định.
Trong khi đó, ông Lê Quang Đạo, Phó phòng quản lý hạ tầng của Sở xây dựng cho biết cây phượng vừa bị đổ sáng nay do trường quản lý. Theo quy trình vào mùa mưa, Sở xây dựng thường có văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát về các cây trong đơn vị này.
Ông Đạo cũng cho biết, đối với cây xanh đô thị trên đường, công viên do Sở quản lý. Còn đối với cây xanh trong công sở thuộc quyền quản lý của công sở. “Sáng nay, sau khi sự việc xảy ra, phía Sở xây dựng cũng đã cử đoàn xuống kiểm tra. Tới trường, chúng tôi thấy trường còn một cây phượng đã già, không phù hợp nên đề nghị đốn bỏ”, ông Đạo nói.
Sau sự việc, việc sang chấn tâm lý đối với em bị thương do cây phượng đổ ngã là không tránh khỏi. Do đó, về vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3 nói: “Ngay khi sự việc xảy ra, cần phải ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, giáo viên, phụ huynh và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Ở trường Bạch Đằng có nhân viên tâm lý cũng sẽ hỗ trợ các cháu, bên cạnh đó giáo viên chủ nhiệm, các bạn sẽ tới trò chuyện và chia sẻ với các cháu. Đối với những trường hợp khó khăn, chúng tôi sẽ nhờ đến chuyên viên hỗ trợ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp”.
Trưa 26-5, BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay BV tiếp nhận 8 học sinh trong vụ cây đổ trong sân trường Bạch Đằng. Qua quá trình tiếp nhận, sàng lọc bệnh, có bốn em bị xây xát nhẹ đang nằm tại Khoa Điều trị trong ngày để theo dõi, bốn em bị nặng đang được điều trị tại Khoa cấp cứu. Bốn em bị nặng có một em bị gãy xương đùi, một em bị chấn thương cột sống cổ, gãy đầu trên xương cánh tay phải. Hai em còn lại đều đang được theo dõi. |