Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt và HTX than thở rằng TP.HCM chậm chi trả tiền tạm ứng trợ giá cho các đơn vị. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải gồng gánh vì chi phí vận tải, giá nhiên vật liệu tăng cao, mà hành khách thì không mặn mà với xe buýt.
Bà Trần Thị Rớt, thành viên của Liên hiệp HTX TP.HCM cho biết một ngày xe bán được khoảng 200 vé, thấp điểm chỉ bán được 70 vé (mỗi vé giá 6.000 đồng) nên buộc bà cũng phải làm tiếp viên bán vé để giảm chi phí.
Các đơn vị vận tải sắp nhận được tiền trợ giá xe buýt. Ảnh: ĐT. |
“Hiện tiền trợ giá mỗi chuyến được 103.000 đồng, nhưng phải đóng 37.000 đồng cho HTX và 40.000 đồng cho các chi phí khác, tính ra thu không đủ chi.
Không chỉ vậy, mỗi tháng tôi phải đóng 18 triệu tiền lãi ngân hàng và nay cũng không còn khả năng vay mượn nữa. Tôi mong rằng TP sớm giải quyết tiền tạm ứng trợ giá cho các xã viên”, bà Rớt cho biết.
Trước thực trạng trên, phía Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết Trung tâm đã họp bàn với các doanh nghiệp vận tải về thương thảo hợp đồng trợ giá xe buýt trong năm 2022.
Theo đó, TP sẽ tạm ứng 50% trên tổng giá trị hợp đồng cho các HTX, xã viên xe buýt trong 3 tháng.
Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thành các thủ tục hồ sơ đầy đủ cơ sở pháp lý để thanh toán số tiền còn lại, dự kiến trong tháng 4 sẽ hoàn thành 50% còn lại cho các đơn vị.
Để hỗ trợ cho các đơn vị về việc chênh lệch giá nguyên liệu trong thời gian qua, Trung tâm sẽ làm việc với Sở GTVT, Sở Tài chính để thống nhất được giá nhiên liệu từ giá đó mới có cơ sở điều chỉnh thanh toán.
Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết dự toán tiền trợ giá xe buýt năm 2022 là 1.256 tỉ đồng cho 91 tuyến xe buýt.
Năm 2021, Sở GTVT TP.HCM được UBND TP giao dự toán ngân sách trợ giá xe buýt trên 1.283 tỉ đồng cho 90 tuyến.
Sau đó, Sở GTVT TP.HCM tiếp tục đề xuất TP hỗ trợ trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải xe buýt hơn 150 tỉ đồng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.