Cùng lên tiếng

Cần sớm xử lý nạn quấy rối tình dục trên xe buýt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khá nhiều hành khách đi xe buýt ở TP.HCM bị quấy rối tình dục, trong đó có cả nam và nữ, song đa phần họ chọn cách im lặng.

Bị quấy rối khi thiếu cảnh giác

Những ngày gần đây, tại các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn chia sẻ việc bản thân bị quấy rối trên xe buýt. Đó là những câu chuyện được tiếp nối kể từ khi một bạn nữ đã phản kháng khi bị quấy rối trên xe buýt tâm sự về việc này.

HL (nạn nhân) kể lại việc mình bị sàm sỡ khi đi trên xe buýt số 14 cách đây một tuần. Khi đó, HL ngồi kế một thanh niên ngoài 20 tuổi, đội nón màu đen, trên tay cầm bịch nylon và một ba lô để phía trước.

Theo HL, thanh niên này để một tay kèm áo khoác, ba lô sát với mình. Sau đó, người này dùng tay còn lại luồn ra phía sau ba lô để sờ mó vào chỗ nhạy cảm của L. Quá hoảng sợ, HL liền đổi chỗ ngồi ra phía sau. Tới trạm kế tiếp thì người này xuống xe nhưng vẫn quay lại nhìn HL chằm chằm.

“Thời điểm đó tôi rất hoảng sợ nên đã chọn cách đổi chỗ ngồi. Đây là lần đầu tiên tôi bị quấy rối trên xe buýt. Khi tìm hiểu thì tôi phát hiện rất nhiều bạn trẻ cũng gặp tình cảnh tương tự” - HL chia sẻ và băn khoăn vì sao những kẻ này có thể hành động nhiều lần như vậy, thậm chí là trên nhiều tuyến xe buýt khác nhau.

Nam thanh niên sau khi bị phát hiện có hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt đã nhanh chóng xuống xe. Ảnh: Facebook xe buýt TP.HCM

Không chỉ có phụ nữ mà nam giới cũng là nạn nhân của việc quấy rối trên xe buýt. N - nạn nhân bị quấy rối trên xe buýt số 8 cách đây một năm cho biết: “Khi đó còn khoảng nửa tiếng nữa mới tới trường nhưng do say xe nên tôi ngủ chập chờn. Lúc này xuất hiện một người nhỏ con, ngồi kế bên và dựa vào vai tôi giở trò sàm sỡ. Sợ quá nên tôi liền xuống xe”.

“Tôi không dám lên tiếng vì ngại làm lớn chuyện. Xe buýt có camera nên nếu chẳng may gặp lại chuyện này, tôi sẽ lên tiếng để tự bảo vệ mình” - N khẳng định.

 Sở GTVT TP.HCM cho biết trong trường hợp bị quấy rối tình dục, hành khách có thể gọi đến tổng đài 1022, số điện thoại 0981.960.202 hoặc phản ánh ngay với tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt để được hỗ trợ. 

Nạn nhân cần lên tiếng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nhận định hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt đáng bị lên án, cần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý ngay.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho thấy vấn nạn này chủ yếu xảy ra ở nơi tập trung đông người, bột phát, người xung quanh khó phát hiện. Vừa qua, ngay khi tiếp nhận một vụ quấy rối tình dục trên xe buýt, trung tâm đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đề nghị vào cuộc để xử lý. Trung tâm cũng cung cấp video về vụ việc cho cơ quan điều tra.

Theo ông Ân, để an toàn cho người dân khi đi xe buýt và phương tiện công cộng, trung tâm đã đưa ra một số giải pháp như lắp đặt hệ thống camera quan sát trên xe buýt; nâng cấp, lắp đặt, thay mới hệ thống camera khu vực nhà chờ... Phối hợp với Công an TP.HCM để xử lý vi phạm.

Trung tâm cũng sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp tập huấn về cách nhận diện, xử lý hành vi quấy rối tình dục. Từ đó, biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phát loa trên xe buýt về cách nhận diện, cảnh giác và ứng xử với hành vi này.

Trung tâm còn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát trên xe buýt, kịp thời ứng phó khi phát hiện vi phạm. Đồng thời tổ chức các đội kiểm tra trực tiếp ngồi xe buýt ở những tuyến có phản ánh để giám sát, kịp thời phối hợp với lực lượng chức năng xử lý những trường hợp quấy rối tình dục.

Ông Ân cũng đề nghị hành khách khi bị quấy rối phải thay đổi ngay chỗ ngồi; cần lớn tiếng yêu cầu đối tượng ngưng ngay hành vi trên. Sau đó nhanh chóng kêu gọi sự hỗ trợ của nhân viên phục vụ và hành khách xung quanh…

Nhận diện hành vi quấy rối tình dục

Quấy rối tình dục gồm những hành vi hay lời nói có bản chất tình dục không được nạn nhân đồng ý. Chẳng hạn nhìn chăm chú vào vùng nhạy cảm của người khác; dùng lời nói giễu cợt, khiếm nhã có tính chất gợi dục; bình phẩm về thân thể một cá nhân; gửi thư, email hay tin nhắn mang tính chất tình dục hoặc gửi cho người khác xem các clip “đen”; đụng chạm hay vuốt ve thân thể, quàng vai...

Cần sớm xử lý nạn quấy rối tình dục trên xe buýt ảnh 2
Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa.

Nhiều phụ nữ bị quấy rối nhưng cứ ngỡ đó là hành động tán tỉnh, lời nói bình thường, bông đùa nên vô tình tạo đà cho kẻ xấu lấn tới.

Do đó, mọi người cần nhận diện được các hành vi quấy rối, phán đoán nguy cơ bị quấy rối có thể xảy ra. Các bạn nữ nên theo nhóm khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, đến chỗ đông người. Nếu đi một mình thì cần để ý xem những người xung quanh là ai. Bạn nữ có thể dùng giỏ xách, ba lô… che vùng nhạy cảm để tạo khoảng cách an toàn với người đứng gần.

Khi có dấu hiệu lạm dụng xảy ra, cần quyết liệt bảo vệ chính mình. Nhiều bạn nữ khi bị lạm dụng thường chọn cách im lặng vì sợ tố cáo sẽ bị kẻ quấy rối trả thù hoặc tìm cách áp chế. Điều này khiến các đối tượng tin rằng hành vi của mình không bị tố giác và lấn tới. Trường hợp bị đe dọa thì cố gắng thoát khỏi tình thế nguy hiểm ngay lập tức, tìm người đáng tin cậy giúp và tố giác đến cơ quan chức năng…

ThS  LÊ THỊ MINH HOA, giảng viên tâm lý học, Trường ĐH
Nguyễn Tất Thành

Cần sớm xử lý dứt điểm

Theo Điều 7 Nghị định 144/2021, người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục người khác ở nơi công cộng sẽ bị phạt tiền 5-8 triệu đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi quấy rối chưa được xử lý dứt điểm. Thứ nhất, tiến trình xử lý, tiếp nhận tin báo về hành vi quấy rối còn gây nhiều khó khăn cho các nạn nhân.

Trong quá trình tiếp nhận báo án, cơ quan chức năng thường đặt những câu hỏi như: Bị xâm hại khi nào? Xâm hại ở đâu? Ra sao? Có bằng chứng không? Điều này đã tạo áp lực cho chính nạn nhân. Trong khi phần lớn nạn nhân bị xâm hại đều không thể chứng minh vì họ không lường trước được tình huống này.

Cần sớm xử lý nạn quấy rối tình dục trên xe buýt ảnh 3
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như.

Thứ hai, đa phần nạn nhân là nữ nên xấu hổ, e dè trong việc tố giác hành vi. Từ đó, nạn nhân có tâm lý chung là chịu đựng và tự vệ bằng cách không đi trên tuyến xe mình từng bị xâm hại… hơn là lên tiếng tố giác.

Do đó, các cơ quan chức năng như công an, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng nên có phương thức tiếp nhận tố giác hành vi quấy rối tình dục thích hợp. Có thể trực tiếp, gián tiếp ghi nhận những tố giác dù nạn nhân chưa có chứng cứ đầy đủ để kịp thời nắm bắt tình hình. Các nạn nhân cũng có thể kêu gọi người bị quấy rối phản ánh vụ việc để hỗ trợ cơ quan chức năng…

            Luật sư ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ, Đoàn Luật sư TP.HCM

            TRÚC PHƯƠNG ghi


- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - 

Bắt đầu từ hôm nay (4-4), vào mỗi thứ Hai hằng tuần, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ có chuyên mục “CÙNG LÊN TIẾNG”.

Đây là chương trình hợp tác giữa báo Pháp Luật TP.HCM và Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam bộ (VTV9) cùng phối hợp thực hiện, nhằm lên tiếng tháo gỡ những bất cập, bức xúc liên quan đến người dân, cơ quan, doanh nghiệp do những vướng mắc về cơ chế, luật pháp, quản lý, thực thi pháp luật... cùng những mô hình hay, cách làm sáng tạo của người dân, chính quyền, doanh nghiệp.

Những thông tin trên mục “CÙNG LÊN TIẾNG” của báo in cũng sẽ đăng tải trên báo điện tử PLO.VN, PLO.TV và các nền tảng mạng xã hội của báo Pháp Luật TP.HCM.

Trên PLO.TV cũng sẽ đăng tải lại các chương trình “CÙNG LÊN TIẾNG” do VTV9 đã phát sóng.

Mong quý bạn đọc ủng hộ, gửi thông tin, góp ý để chuyên mục hấp dẫn, hữu ích hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm