Chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1 đang vướng tiến độ phê duyệt phương án bồi thường bổ sung. Ảnh: KC

Kiến nghị gỡ khó cho các dự án 'đứng hình' nhiều năm

(PLO)- Các cơ quan ở TP.HCM có nhiều động thái tháo gỡ các ách tắc cho các dự án nhà ở, bất động sản nhiều năm vì các lý do khác nhau.

Câu chuyện các dự án ách tắc ở TP.HCM tồn tại nhiều năm, vấn đề là tìm ra các giải pháp, cộng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đồng thời có những cơ chế mới giúp TP.HCM giải quyết các tồn tại lâu nay.

Mới đây, các cơ quan chức năng có kiến nghị tháo gỡ và nhiều chuyên gia mách nước để tháo gỡ các tồn tại này.

Quận 8 kiến nghị tháo gỡ bốn dự án kéo dài nhiều năm

Mới đây, Ban Thường vụ Quận ủy quận 8, TP.HCM có kiến nghị TP.HCM hỗ trợ giải quyết các tồn đọng của bốn dự án do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 triển khai trên địa bàn nhưng ách tắc, kéo dài nhiều năm.

“UBND quận 8 nhận thấy việc giải quyết các vướng mắc tại bốn dự án là một quá trình kéo dài, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP và các sở, ngành” - văn bản của Quận ủy quận 8 nêu.

Theo đó, bốn dự án nêu trên gồm dự án chung cư nhà ở xã hội tại 314 Âu Dương Lân (phường 3), dự án chung cư tái định cư Trương Đình Hội II (phường 16), dự án khu tái định cư Trương Đình Hội III (phường 16), chung cư An Sinh (phường 4).

Vấn đề khó khăn của bốn dự án nêu trên được nhận định là do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 không đảm bảo yêu cầu về năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu) để được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư dự án theo quy định.

Chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1 đang vướng tiến độ phê duyệt phương án bồi thường bổ sung. Ảnh: KC
Chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1 đang vướng tiến độ phê duyệt phương án bồi thường bổ sung. Ảnh: KC

Về hai dự án chung cư An Sinh và dự án khu tái định cư Trương Đình Hội II do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 được giao làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp hợp tác. Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư rà soát, tổ chức kiểm toán để xác định các khoản chi phí đã đầu tư để thực hiện đối với từng dự án đến thời điểm hiện nay (bao gồm: Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng của từng dự án...).

Đồng thời, xác định lại quy mô, tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, năng lực tài chính của chủ đầu tư và phương thức đầu tư, hợp tác đầu tư thực hiện dự án trong thời gian tới và tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng.

Đối với hai dự án có nguồn gốc là đất do Nhà nước quản lý và ngân sách nhà nước tạm ứng, gồm dự án khu nhà ở xã hội 314 Âu Dương Lân và dự án khu tái định cư Trương Đình Hội II thì Sở Xây dựng đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 tiến hành rà soát, tổ chức kiểm toán để xác định các chi phí đã đầu tư đối với từng dự án. Sau đó tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng và UBND quận 8.

Hàng chục dự án còn ách tắc

Ngoài bốn dự án nêu trên ở quận 8, Sở Xây dựng cũng vừa có văn bản báo cáo tiến độ thực hiện 18 dự án nhà ở mà UBND TP yêu cầu tập trung giải quyết khó khăn trong năm 2022.

Ví dụ như dự án chung cư lô số cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vướng mắc về việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và việc áp dụng quy định pháp luật nhà ở hay đất đai để thực hiện công tác di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tại quận 1, UBND quận này cũng đang xem xét phê duyệt phương án bồi thường bổ sung đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư 23 Lý Tự Trọng.

18 dự án nhà ở cần tháo gỡ khó khăn được phân nhóm gồm sáu dự án đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, hai dự án nhà lưu trú công nhân, bốn dự án nhà ở xã hội độc lập, sáu dự án nhà ở xã hội nằm trong các dự án nhà ở.

Cho thí điểm để gỡ cho doanh nghiệp

Ông TRẦN MINH THƠ

Ông TRẦN MINH THƠ

Nên cho TP.HCM thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

Các kiến nghị của TP liên quan đến việc giải phóng mặt bằng như việc áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỉ lệ phần trăm rất có cơ sở.

TP.HCM cũng nên xin thí điểm các cơ chế mới này. Qua việc thí điểm sẽ có thêm thông tin, kết quả để bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi để Quốc hội quyết định thông qua theo dự kiến là vào tháng 10-2023.

Ông TRẦN MINH THƠ, nguyên Trưởng Phòng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sở TN&MT TP.HCM

Nên xem lại quy định về thu hồi dự án sau

Ông LÊ HỮU NGHĨA

Ông LÊ HỮU NGHĨA

Có những trường hợp bất khả kháng, khách quan, thủ tục pháp lý và những cái không phải là lỗi của chủ đầu tư. Thực tế có nhiều thủ tục như thủ tục cấp phép xây dựng, thủ tục quy hoạch, có những trường hợp đụng quy hoạch, vướng quy hoạch mà làm hoài không ra được mà điều chỉnh quy hoạch cũng phải kéo dài mấy năm.

Chẳng hạn có con đường dự phóng bất chợt xuất hiện dù dự án đã được cấp đất xong. Lúc này chủ đầu tư phải điều chỉnh mà thủ tục điều chỉnh con đường phải thông qua HĐND duyệt quy hoạch, mất rất nhiều thời gian.

Chúng ta phải tìm ra cách nào vừa tốt cho Nhà nước vừa tốt cho doanh nghiệp. Ví dụ như quy định hiện nay, thu hồi đất sau 48 tháng nếu không đưa đất vào sử dụng hay thời hạn sử dụng đất 50 năm cũng cần có những xem xét thấu đáo hơn. Ví như lỗi không phải của doanh nghiệp, dự án kéo dài, chậm tiến độ thì thu hồi đất sau 48 tháng là không hợp lý.

Ông LÊ HỮU NGHĨA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Cần sự vào cuộc của các cơ quan và cơ chế mới

“Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận các giải pháp tháo gỡ cần thiết cho các dự án đang vướng hiện nay gần như thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng TP.HCM” - chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn NTD LAW Việt Nam, cho biết.

Theo ông Đạt, TP.HCM còn rất nhiều dự án vướng và chậm tiến độ, vì vậy để các dự án được triển khai nhanh chóng trong năm 2022 thì cần sự vào cuộc quan tâm từ nhiều đơn vị có liên quan chứ không thể chỉ Sở Xây dựng.

“TP cần lập ban giám sát hoặc giao nhiệm vụ cho một đơn vị độc lập có chuyên môn, có thể là ngoài nhà nước để đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn cho các dự án. Tất nhiên, tiến độ giải quyết nhanh hay chậm là còn do chủ đầu tư và các yếu tố khác. Cũng cần áp dụng chế tài xử lý nếu chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cố tình không triển khai hoặc gây khó khăn dẫn đến chậm tiến độ” - ông Đạt góp ý.

Chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực

Theo UBND TP.HCM, nguồn cung bất động sản trong những năm qua đã giảm rõ rệt do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.

Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... dẫn đến tình trạng chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ, điều này dẫn đến khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung cho thị trường.

Việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây có ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

(Theo báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Xây dựng)

Đọc thêm