Ngân hàng luôn sẵn sàng cho những doanh nghiệp hoạt động tốt vay tiền. Ảnh: T.LINH

Doanh nghiệp cần vốn nhưng rất khó vay gói 2%

(PLO)- Sau hơn nửa năm triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách gần như đứng yên vì ngân hàng vừa làm vừa sợ, còn người đi vay phải “chê” vì điều kiện quá nhiêu khê.

Mới đây, Thủ tướng đã có công điện gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu NHNN cần có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đúng đối tượng vẫn khó tiếp cận

Theo Nghị định 31, ngân sách bố trí 40.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, kéo dài trong hai năm.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, gói lãi suất này bổ sung gần 16.035 tỉ đồng cho NHNN để hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua các NHTM.

Tuy nhiên, theo số liệu công bố của NHNN, tính đến cuối tháng 9-2022, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt trên 13.000 tỉ đồng, tức là mới giải ngân được trên 29 tỉ đồng trong tổng số hơn 16.035 tỉ đồng được phân bổ của năm 2022.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ: “Gói hỗ trợ lãi suất lần này cũng tương tự các gói hỗ trợ lãi suất cách đây 10 năm nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn đang đau đầu vì chưa xử lý xong các vướng mắc”.

Ngân hàng luôn sẵn sàng cho những doanh nghiệp hoạt động tốt vay tiền. Ảnh: T.LINH
Ngân hàng luôn sẵn sàng cho những doanh nghiệp hoạt động tốt vay tiền. Ảnh: T.LINH

Cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng, sau quá trình thẩm định, ngân hàng xét thấy một DN đủ điều kiện được hưởng lãi suất ưu đãi 2% nên cho vay. Thế nhưng đến khi thanh tra, kiểm tra thì cơ quan chức năng lại cho rằng DN đó không đủ điều kiện. “Vì vậy, chúng tôi buộc phải đòi lại phần lãi mà mình đã hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi không những không đòi được phần lãi đó mà còn bị khách hàng kiện ngân hàng ra tòa” - vị lãnh đạo ngân hàng nói.

Đây là câu chuyện của 10 năm trước, còn hiện tại cũng có DN đúng đối tượng được hưởng chính sách nhưng vẫn không thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% này vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, chia sẻ: Gói hỗ trợ lãi suất 2% tách bạch các ngành (hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục...) là đối tượng được ưu tiên vay. “Nhưng thực tế DN kinh doanh đa ngành nghề nên tách riêng từng lĩnh vực trong một DN là rất khó” - ông Kỳ nhận xét.

Chia sẻ tại một sự kiện, TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết: Ngân hàng cũng là DN, họ cho vay dựa trên các quy định, điều kiện cho vay chứ không thể hạ chuẩn cho vay được... Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động ngân hàng để đảm bảo công tác quản trị nợ xấu.

Doanh nghiệp “né” lãi suất ưu đãi

Đưa ra một số nguyên nhân khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất chậm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐTV Ngân hàng Agribank, cho biết: Có một số vướng mắc nhưng nổi bật là vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay.

Cụ thể là điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản… Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, kiểm tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất, kinh doanh hoặc đã tất toán. Về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có bảng kê thu mua hàng hóa. “Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán” - tổng giám đốc Ngân hàng Agribank nói.

Một số ngân hàng khác cho rằng một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi nhưng trên thực tế mỗi ngân hàng hướng một kiểu khiến khách hàng bối rối và điều này cũng sẽ gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra sau này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: “Để chính sách phát huy hiệu quả thì cần phải kèm điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, điều kiện tiếp cận lãi suất ưu đãi này như thế nào. DN như thế nào thì được tiếp cận vay vốn gói 2%”.

TS Phạm Chí Quang thừa nhận: Khi cho vay, ngân hàng phải đánh giá xem khách hàng có khả năng phục hồi hay không mới được hưởng chính sách này và đây cũng là điểm rất khó khăn của các NHTM.

Trong thời gian qua, qua các báo cáo của NHTM thì NHNN cũng nhận thấy việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất này chưa đạt hiệu quả.

“Rõ ràng chúng ta thấy rằng có những chính sách cần sửa đổi để làm sao nó phù hợp hơn với thực tế. Chính vì vậy, thời gian tới NHNN tiếp tục với các bộ, ngành rà soát để báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý chương trình hỗ trợ lãi suất này” - ông Phạm Chí Quang nói.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TP.HCM:

Sẽ gắn với chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH

Trong năm 2023, chương trình kết nối ngân hàng và DN sẽ gắn với Nghị định 31, Nghị quyết 11 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm tiếp tục thực hiện để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN trong bối cảnh áp lực về lãi suất.

Dù đến nay việc triển khai gói hỗ trợ này có chậm nhưng thực tế các NHTM cũng đã thực hiện rất tốt việc hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ, nhân viên tín dụng triển khai chương trình này nhưng vì là chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên cả ngân hàng và DN đủ điều kiện thụ hưởng cũng thận trọng khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Việc thực hiện gói vay ưu đãi 2% này được thông qua các NHTM để đảm bảo nguồn vốn được đến đúng địa chỉ, đối tượng, mục đích sử dụng thì phải có sự thẩm định, xét duyệt, đồng ý cho vay của NHTM.

......................

Ông PHẠM TOÀN VƯỢNG, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐTV Ngân hàng Agribank:

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất

Ông PHẠM TOÀN VƯỢNG

Ông PHẠM TOÀN VƯỢNG

Để tháo gỡ nút thắt của gói hỗ trợ lãi suất 2%, tôi cho rằng Thủ tướng, các bộ, ngành, NHNN Việt Nam nên xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bởi tại Ngân hàng Agribank có gần 50% dư nợ khách hàng là hộ kinh doanh và có ngành nghề kinh doanh nằm trong danh sách được hưởng hỗ trợ lãi suất theo gói này nhưng lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dẫn đến số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

Ngoài ra, đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ…

..................................

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Vietravel:

Đừng để doanh nghiệp rượt đuổi theo chính sách

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ

Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành du lịch sau dịch là vấn đề tài chính. Lữ hành là một trong những bộ phận cấu thành của ngành du lịch nhưng nó được xem là đầu tàu kéo toàn bộ ngành du lịch đi theo. DN lữ hành có tài sản lớn nhất là đội ngũ nhân sự giỏi nghề, thế nhưng tài sản trí tuệ này lại không đem thế chấp được trong khi tài sản thế chấp đã nằm hết trong ngân hàng thì lấy đâu ra tài sản thế chấp thêm để có vốn vay.

Hiện ngành du lịch đang thiếu vốn và được xem là mũi nhọn của nền kinh tế, thế nhưng chính sách thiết kế riêng cho ngành mũi nhọn này lại không có. Nếu không có chính sách đặc thù thì sao có thể trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế được.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ và NHNN nên sắp xếp lại các tiêu chí cho vay trước dịch và sau dịch, có gì tốt cho DN chúng ta có thể ban hành. Hơn nữa, các chính sách luôn phải được ban hành nhanh và cụ thể, chứ đừng để DN vừa đi vừa mò, khổ lắm!

Đọc thêm