Mỹ, châu Âu giảm mua hàng: Doanh nghiệp cần trợ lực

Mỹ, châu Âu giảm mua hàng: Doanh nghiệp cần trợ lực

(PLO)- Trước khó khăn của thị trường Mỹ và châu Âu, nhiều công ty quay về nội địa và chuyển sang thị trường khác để khai thác nhằm giảm rủi ro.

Xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng thời trang, đồ gỗ nội thất, nhựa cao su… đột ngột giảm mạnh từ tháng 9 dù trước đó tăng trưởng tốt. Bước sang quý IV-2022, các DN xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Đơn hàng sụt giảm, dòng tiền thiếu hụt

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, đánh giá sức mua tại thị trường châu Âu giảm rất mạnh.

Ngay dịp lễ Giáng sinh năm nay, sản phẩm quần jean của công ty chỉ nhận được đơn hàng từng tháng, trong khi trước đây đơn hàng nhận theo quý, theo năm. Thị trường Mỹ cũng giảm 40%, thậm chí gần đây công ty chưa nhận được đơn hàng nào.

Xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp ngành dệt may chuyển về thị trường nội địa. Ảnh: T.UYÊN

Xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp ngành dệt may chuyển về thị trường nội địa.
Ảnh: T.UYÊN

Ông cho hay là vừa xuất khẩu các lô hàng sang Mỹ, Đức nhưng bị kẹt tại cảng, chỉ còn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bù đắp được 50% xuất khẩu của công ty.

Nhiều DN phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30%-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi DN Việt phải đầu tư máy móc, công nghệ mới nhưng thiếu vốn, DN cũng không thể đáp ứng, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

Bên cạnh sụt giảm đơn hàng, các DN đang gặp khó khăn về tài chính do tồn đọng hàng nguyên liệu đầu vào và hàng thành phẩm, dẫn đến dòng tiền thiếu hụt. “Trong khi đó, DN rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng do cạn room tín dụng” - ông Việt nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt, chủ chuỗi siêu thị nội ngoại thất Furnist, cho hay là đơn hàng từ Mỹ, châu Âu giảm 40%-50%. Một số đối tác nước ngoài kinh doanh ế ẩm, hàng tồn kho nên họ chậm thanh toán, gây khó cho DN trong nước về vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Dù hạn mức tín dụng chúng tôi vẫn còn 40% nhưng để vay được là không thể. Việc ngân hàng không giải ngân vốn dự kiến kéo dài đến hết năm 2022 nên DN tiếp tục khó khăn” - ông Sang nói.

Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay họ đang phải đối mặt với những khó khăn vì thiếu đơn hàng, khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40%-50% so với bình thường.

Trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát, lãi suất tăng cao và rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Bên cạnh đó, tỉ giá USD tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tăng nhưng DN không dám tăng giá bán sản phẩm vì sợ mất khách hàng.

Doanh nghiệp tìm thị trường mới

Đứng trước khó khăn, các DN xuất khẩu đang đánh giá lại tổng thể tình hình thị trường, khách hàng, sản phẩm... để đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm các thị trường mới. DN cũng linh hoạt trong phương thức thanh toán thay vì chỉ tập trung vào USD.

Tổng giám đốc Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho hay so với xuất khẩu, thị trường nội địa chỉ chiếm 5%. Do đó, sắp tới công ty cố gắng nâng thị phần nội địa lên 10%. Việt Thắng cũng chuyển sang khai thác hai thị trường mới là Canada và Úc.

“Hiện nay khoảng 10% DN của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM phải quay về thị trường nội địa. Một số công ty cũng bắt đầu xây dựng thương hiệu nhưng nhanh nhất phải mất đến ba năm để người tiêu dùng quen dần. Thị trường nội địa rất tốt nhưng chúng tôi cần đầu tư mạnh mẽ chứ không phải quay về là bán được ngay. Hành vi tiêu dùng của thị trường trong nước thay đổi rất nhanh” - ông Việt dẫn chứng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, cũng cho rằng hiện các nhà xuất khẩu đang tính toán phát triển tại thị trường trong nước với quy mô dân số lên đến gần 100 triệu dân. Tuy vậy, việc thay đổi thị trường khó thực hiện trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó, thị trường nội địa sức mua chưa cao cũng là nỗi lo của DN.

Đặc biệt, để tiết giảm chi phí, các DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành DN; thiết kế lại mạng lưới chuỗi cung ứng; khai thác lợi ích đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng tốc xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan.

Nên có chính sách mở, hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho DN, các ngân hàng cần tăng room cho vay và nên có chính sách mở sớm để hỗ trợ cho tất cả ngành nghề duy trì sản xuất, kinh doanh.

Song song đó, ngành thuế cần nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN. Đồng thời, ngân hàng nới hạn mức tín dụng, triển khai nhanh gói giảm 2% lãi vay; cho DN vay mới để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tìm thị trường mới vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, nêu rõ các thách thức lớn của DN.

Theo đó, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động, vốn đầu tư trung và dài hạn đang đặt DN, nhất là DN tư nhân vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của DN, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong dịch COVID-19, như chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn thuế, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96, các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...

Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho DN nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực DN…

Ngân hàng Nhà nước:

Còn dư địa để tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc triển khai, thực hiện về tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Hiện tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là 14%. Do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

..............................

Ông NGÔ NGỌC KHÁNH, Phó Chủ tịch Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam:

Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện tồn kho của ngành công nghiệp hỗ trợ rất lớn. Nhóm khách hàng ở châu Âu và Mỹ không có đơn hàng mới, trong khi đơn hàng cũ chỉ còn 1-2 tháng nữa là hết.

Nếu nhận được đơn hàng mới thì yêu cầu về hàm lượng công nghệ cao hơn, đòi hỏi phải có thiết bị, máy móc mới hơn mới sản xuất được. Mà muốn có máy móc mới thì phải đầu tư thêm tiền nhưng hiện nay tín dụng rất khó khăn.

Nhà nước cần khơi thông nguồn tín dụng, ưu tiên cho các DN sản xuất. Đồng thời giảm thuế thu nhập DN cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong năm 2022 để làm tiền đề phục hồi, phát triển cho năm 2023.

...................................

Ông ĐINH HỒNG KỲ, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam:

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Để giúp ngành vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn thì Nhà nước cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Nếu chúng ta có thị trường bất động sản, thị trường tài chính lành mạnh thì dù tình hình thị trường thế giới có bất ổn thế nào, nếu ảnh hưởng tới Việt Nam thì mức độ cũng nhẹ đi nhiều. Thế nhưng hiện nay, cùng với thời điểm thị trường thế giới diễn biến xấu thì Việt Nam bị thêm ảnh hưởng từ các câu chuyện trong nước, dẫn đến càng khó khăn hơn.

Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách phải làm sao gỡ được các vấn đề đó. Chúng ta tự tạo lực, tự khơi thông nền kinh tế của chúng ta, tự khơi thông dòng máu nền kinh tế của chúng ta trước đã, trước khi mong thế giới phục hồi.

THÙY LINH - AN HIỀN

Đọc thêm