Đến hẹn lại lên, khi mùa nước nổi tràn về cũng là lúc tuyến biên giới ở An Giang nhộn nhạo vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam (VN) với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Trắng đêm ngăn hàng lậu “vượt biên”
23 giờ ngày 27-9, Đại úy Nguyễn Phước Tới, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, cùng tổ công tác Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tuần tra đường biên thì phát hiện nhóm buôn lậu chạy bằng vỏ lãi.
4
vụ buôn lậu đã được Cục Hải quan tỉnh An Giang khởi tố từ đầu năm đến giữa tháng 9. Còn Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang bắt, xử lý 91 vụ/25 người, trị giá hàng hóa khoảng 2,2 tỉ đồng; phối hợp kiểm tra, bắt, xử lý 138 vụ/128 người, trị giá hàng hóa khoảng 15,5 tỉ đồng.
“Tất cả đứng lại!” - Đại úy Tới hô lớn nhưng nhóm buôn lậu đã leo lên vỏ lãi, thoát chạy với tốc độ cao về hướng Campuchia, để lại tang vật là một số xe đạp loại đã qua sử dụng.
Theo Đại úy Tới, đang mùa lũ về nên các nhóm buôn lậu tìm cách đưa hàng vào VN vì chênh lệch giá nhiều mặt hàng trong nước và hàng lậu gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần nên nhiều người nảy sinh lòng tham. “Những người này tổ chức canh đường, sau đó vận chuyển hàng lậu về VN. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi thì họ bỏ lại hàng hóa để chạy về phía Campuchia” - Đại úy Tới nói.
Cạnh đó, lợi nhuận do buôn lậu cao nên nhiều người ở khu vực liều lĩnh tiếp tay, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt vào mùa nước nổi. Hiện các quãng đường biên giữa VN và Campuchia ngập trong biển nước, kể cả các cột mốc cũng bị ngập. Trong đêm tối, lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm soát liên tục nhưng thực tế rất khó phân biệt giữa người dân đi đánh bắt cá, tôm với kẻ buôn lậu.
Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra trong đêm. Ảnh: U.PHƯƠNG |
Buôn lậu từ chỗ chỉ có thể qua lại bằng đường mòn, lối mở thì giờ đây đâu đâu cũng có thể trở thành con đường thuận lợi để qua lại biên giới. Điều này đồng nghĩa với cái khó của lực lượng chống buôn lậu nhưng lại trở thành thuận lợi cho dân đi buôn hàng lậu. Dù liên tục tuần tra dọc biên giới bằng vỏ lãi, tuy nhiên giữa hai chốt của lực lượng biên phòng vẫn phải bố trí thêm một tổ công tác xen kẽ để canh chừng.
“Cuộc chiến” với hàng lậu luôn cam go
Theo Đại úy Tới, một trong những khó khăn hiện nay là đa số các đối tượng đai vác, vận chuyển không có việc làm ổn định; nhận thức của một số người dân ở khu vực biên giới còn thấp, chưa tự giác tham gia tố giác tội phạm, dễ bị lôi kéo tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.
Khác với mọi năm, thời điểm này, các đầu nậu bên kia biên giới không tập kết hàng vào kho mà chở hàng trên các ghe đậu dọc trên đồng nước, đợi đêm khuya thì sử dụng vỏ lãi công suất lớn chở hàng phóng bạt mạng trên cánh đồng để đưa về các điểm tập kết ở sâu trong nội địa. Nếu bị phát hiện, bọn chúng “ém hàng” tại các điểm trung chuyển, chờ thời điểm thích hợp tiếp tục vận chuyển hàng lậu vào sâu trong nội địa, giao cho các đầu mối.
Các mặt hàng mà biên phòng An Giang phát hiện, bắt giữ nhiều nhất vẫn là thuốc lá, bia, rượu cho tới kem đánh răng, khăn mặt, giày dép, khăn, mỹ phẩm, thậm chí cả thuốc tân dược, tiền, vàng. “Hiện nay trên biên giới đã ngập nước, các loại xuồng, ghe trung bình đã đi được qua lại biên giới nên các đối tượng lợi dụng điều kiện này vận chuyện hàng hóa bằng xuồng hoặc vỏ lãi để qua lại” - Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang, cho biết.
Theo Đại tá Tùng, mặc dù tình hình buôn lậu cơ bản đã được kiềm chế nhưng do nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng, sự chênh lệch về giá cả, chất lượng... nên các nhóm luôn tìm cách nhập lậu hàng hóa vào nội địa với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và “cuộc chiến” chống buôn lậu cũng vì thế mà càng trở nên cam go và quyết liệt hơn trong thời điểm này.
Khi bị phát hiện, các nhóm buôn lậu bỏ lại hàng hóa, chạy thoát thân về phía Campuchia |
Với đường biên giới dài gần 100 km, có hai cửa khẩu quốc tế cùng nhiều tuyến đường tiểu ngạch, hàng trăm đường mòn qua lại biên giới, những năm gần đây An Giang luôn là điểm nóng của tình trạng buôn lậu.
Buôn lậu luôn có các phương thức, thủ đoạn mới
0 giờ một ngày cuối tháng 9, ở khu vực giáp ranh, các đối tượng tập kết hàng, buộc vào nhau cho nổi lên mặt nước rồi lợi dụng dòng chảy, kéo hàng vượt biên.
Một cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên cho biết cách làm tinh vi này vừa đối phó được với lực lượng chức năng, vừa dễ dàng tẩu thoát khi có động.
Và thực tế, trong lúc các đối tượng kéo hàng thì bị tổ công tác phát hiện, truy bắt. Tuy nhiên, tất cả những người liên quan đã bỏ chạy, để lại số hàng lậu.
Theo Thiếu tá Trương Quốc Hưng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, những người buôn lậu sử dụng phương thức mới là cho hàng lậu vào bao rồi buộc hàng vào với nhau, kéo đi dưới nước, thậm chí lặn xuống để tránh lực lượng biên phòng phát hiện. Một cái dây xâu chuỗi có thể kéo được 3-4 bịch hàng, buôn lậu hoạt động cả ban ngày và nếu không có biện pháp nghiệp vụ sẽ tưởng người dân đi bắt ốc, bắt cua trên biên giới.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng lậu. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong chín tháng năm 2022, các lực lượng như BĐBP, công an, hải quan... đã phát hiện, bắt giữ hàng ngàn vụ buôn lậu, trị giá hàng hóa hàng chục tỉ đồng.
Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, khi nước lũ tràn đồng, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện hàng trăm vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu…
Theo Đội Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh An Giang, thủ đoạn khá mới của những người buôn lậu vào thời điểm mùa nước nổi là cho hàng lậu vào bao tải, bao đựng cỏ rồi thả trôi theo dòng nước… hoặc giấu thuốc lá lậu trong những can nhựa, bình xịt thuốc bảo vệ thực vật để qua mặt cơ quan chức năng.
Khi hàng lậu được tuồn trót lọt qua vùng nước ngập thì lại được ngụy trang bằng đủ mọi hình thức với mục đích là tuồn sâu hơn vào trong nội địa…
Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang, cho biết bộ chỉ huy cũng nhận thấy một số khó khăn trong công tác chống buôn lậu ở An Giang. “Thứ nhất là lực lượng chuyên trách trong công tác buôn lậu rất mỏng, phải bao quát hơn 100 km đường biên giới. Thứ hai là các công cụ hỗ trợ để thực hiện công tác phòng chống buôn lậu đã cũ, kém, ảnh hưởng tới công việc. Thứ ba là mùa nước nổi như thế này thì các đối tượng chuẩn bị, sử dụng các phương tiện tốc độ cao, mình làm công tác chống buôn lậu cũng phải tránh va chạm, đảm bảo an toàn” - ông Tùng nói.
Theo biên phòng An Giang, ngoài công tác tuần tra, mật phục đấu tranh chống buôn lậu trong giai đoạn hiện nay của lực lượng chức năng thì công tác tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế hỗ trợ người dân trong việc cung cấp những thông tin chính xác liên quan đến hoạt động buôn lậu, có như vậy mới khuyến khích được xã hội cùng tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Mang USD sang Campuchia mua vàng rồi chuyển ngược trở lại
Ngày 28-9, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP.HCM, Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới VN - Campuchia.
Theo Bộ Công an, đây là đường dây buôn lậu rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều đối tượng, trên nhiều tỉnh, TP; với thủ đoạn thiết lập đường dây khép kín, thu mua gom ngoại tệ (USD) từ VN chuyển qua Campuchia mua vàng để mang về VN tiêu thụ.
Chỉ riêng trong hai ngày 27 và 28-9, đường dây này đã nhập lậu 198 kg vàng. Đến nay công an đã thu giữ 103 kg vàng, hơn 2,8 triệu USD và 26,7 tỉ đồng…
Trước đó, ngày 5-9, tổ công tác của Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) phối hợp với Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ Châu Rít Mây (38 tuổi, ngụ An Giang) đang vận chuyển khoảng 1,7 kg vàng và 400.000 riel (tiền Campuchia) qua biên giới.