TP.HCM đã định hướng thay đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp sang đốt phát điện. Do đó, từ năm 2019 đã có ba dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM được khởi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020 đầu năm 2021. Tuy nhiên, đến nay những dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn của Công ty cổ phần Vietstar (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Chờ giấy phép
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có bốn dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt sang đốt rác phát điện đang triển khai. Trong đó, UBND TP đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với hai dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).
Hai dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý là Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày).
Tuy TP đã khởi công một số nhà máy từ năm 2019 và dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020 đầu năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa nhà máy nào bắt đầu chuyển sang công nghệ mới và không biết đến bao giờ mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Lý giải nguyên nhân vì sao đến nay nhà máy vẫn “đứng hình”, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, chia sẻ: Từ năm 2019 khi khởi công xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư nhiều vào hệ thống xử lý rác nhưng đến nay chưa thể đốt phát điện là do còn vướng một số loại giấy phép vẫn chưa được cấp.
“Công ty đã đầu tư vào các hệ thống như phân loại, tái chế và đốt rác phát điện. Hiện tại, công ty đã có nhiều giấy phép để thực hiện dự án này nhưng những giấy phép chính để chúng tôi đầu tư và xây dựng chưa được cấp nên vẫn phải chờ.
Giấy phép quan trọng nhất mà chúng tôi cần là quy hoạch điện VIII. Quy hoạch này cho phép chúng tôi xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và có thể bán điện được vào mạng lưới điện quốc gia. Một loại giấy phép nữa mà công ty cần là giấy phép về vận hành, chúng tôi cũng đang chờ TP cấp” - ông Việt nói.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng đang chờ bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, theo báo cáo của công ty, do tổng mức đầu tư của dự án rất lớn (4.976 tỉ đồng) nên công ty đang chờ TP ký phụ lục hợp đồng để vay vốn.
Liên quan đến vấn đề bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, UBND TP đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết. Ngay khi hoàn thiện các thủ tục, các đơn vị sẽ triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện trong năm 2022.
TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới, hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030.
Cần đẩy nhanh dự án đốt rác phát điện
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt sang đốt rác phát điện cần phải thực hiện nhiều thủ tục, nhiều loại giấy phép khác nhau. Do đó, Nhà nước nên đẩy nhanh tiến độ cấp phép để các dự án đi vào hoạt động.
Theo ông Sỹ, việc chôn lấp không những gây mùi hôi, ruồi muỗi nhiều, tồn động nước rỉ rác mà quá trình xử lý những khâu này cũng rất tốn kém. “Nếu đốt rác phát điện, chúng ta có thể giảm khối lượng 75%-80%, từ đó TP có thể đỡ lãng phí diện tích đất dành cho việc chôn lấp rác. Đốt rác phát điện còn giúp chúng ta thu một lượng điện rất lớn. Bên cạnh đó, thực hiện được việc này còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động biến đổi khí hậu… Chậm chuyển đổi công nghệ ngày nào thì chúng ta gây hại đến môi trường ngày đó” - ông Sỹ chia sẻ.
Đồng quan điểm, GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định công nghệ đốt rác phát điện rất cần thiết và cần đẩy nhanh việc thực hiện dự án.
“Đốt rác phát điện là cần thiết với các đô thị phát triển. Năng lượng tái tạo thu được từ các nguồn khác nhau là cần thiết. TP.HCM mỗi ngày phát sinh hơn 9.000 tấn chất thải thì nguồn điện năng thu được từ đây sẽ rất lớn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời còn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường” - GS-TS Lê Thanh Hải nói.•
Không thể sử dụng quỹ đất quá lớn để chôn lấp rác
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP (CITENCO), cho biết CITENCO cũng đang xin chủ trương xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý.
“Công ty đã trình và xin UBND TP quyết định đầu tư. Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực về mặt tài chính, tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Khi có quyết định đầu tư, công ty sẽ bắt tay vào làm ngay để nhà máy sớm đi vào hoạt động, nhằm giải quyết vấn đề môi trường của TP. Chúng ta không thể nào sử dụng quỹ đất quá lớn cho việc chôn lấp rác, việc chôn lấp rác về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường” - ông Tuấn nói.