Tham dự lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và đại diện một số sở, ngành của TP.
Chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, giải pháp xử lý chất thải rắn đô thị bằng công nghệ đốt rác phát điện đã và đang được áp rộng rãi trên thế giới vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với công nghệ chôn lấp. “Công nghệ đốt phát điện tiêu hủy được 90%-95% thể tích và khối lượng chất thải; xử lý triệt để tình trạng mùi hôi và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh từ quá trình đốt để phát điện; tiết kiệm diện tích sử dụng đất; góp phần giảm phát thải lượng khí nhà kính phát sinh từ việc chôn lấp rác thải” - ông Nguyễn Thành Phong phát biểu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các sở, ngành thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: CN
Hiện TP.HCM có dân số khoảng 13 triệu người, khối lượng rác thải sinh hoạt ước tính gần 9.000 tấn/ngày. Vì vậy, việc nhanh chóng áp dụng chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện với các ưu điểm nổi bật nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của TP.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi công nghệ đốt phát điện đối với ba nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, một nhà máy chuẩn bị khởi công xây dựng mới. Tổng công suất của bốn nhà máy đạt khoảng 6.000-7.000 tấn/ngày.
Sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư…
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở TN&MT, các sở, ngành và đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư để nhà máy đảm bảo tiến độ xây dựng, đạt chất lượng và sớm đi vào vận hành. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đang vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn hiện hữu còn lại khẩn trương hoàn tất quá trình chuyển đổi công nghệ đốt phát điện theo chủ trương của TP.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nghị quyết của HĐND TP.HCM về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP đã xác định: Đến năm 2020, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%; đến năm 2025 tối đa là 20%. Để đạt được chỉ tiêu quan trọng và đầy thách thức này, Sở TN&MT đã tập trung làm việc với các nhà đầu tư đang có hợp đồng xử lý rác sinh hoạt với TP về việc chuyển đổi công nghệ xử lý.
Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Sở TN&MT đã chủ động tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định đối với dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt hiện hữu của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa sang công nghệ đốt phát điện.
Tiếp nối buổi lễ khởi công nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện của Công ty Vietstar (vào ngày 28-8), TP tiếp tục chào đón một cột mốc quan trọng tiếp theo trong lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, thu hồi năng lượng của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Đây là nhà máy đốt rác phát điện thứ hai được khởi công của TP.HCM. Nhà máy đốt rác phát điện vừa khởi công có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40 MW. |