Huyện Bình Chánh đề xuất xóa 52 dự án treo

(PLO)- Huyện Bình Chánh đề xuất thu hồi, hủy bỏ 52 dự án treo vì đã quá ba năm không triển khai thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-9, Ban Đô thị, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP tại huyện Bình Chánh.

Hàng ngàn hộ dân ảnh hưởng vì dự án treo kéo dài

Một trong những vấn đề nóng tại Bình Chánh hiện nay là các dự án chậm triển khai và quy hoạch treo đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã nêu một số dự án cụ thể như dự án khu E tại khu đô thị Nam TP, dự án cây xanh cách ly tại xã Phong Phú và Đa Phước, dự án khu đô thị Sing – Việt, dự án khu đô thị đại học Hưng Long…

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh VH

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh VH

Theo ông Tài, đây là những dự án có quy mô diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và đã có thời gian triển khai hàng chục năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện bồi thường hoặc bồi thường dang dở, có những dự án kéo dài hơn 20 năm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong khu vực dự án.

Điển hình là dự án khu E trong khu đô thị Nam TP đến nay đã hơn 22 năm nhưng vẫn chưa bồi thường xong. Hơn 700 trăm hộ dân trong dự án này đã sống trong cảnh thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhà cửa không được nâng cấp, sửa chữa, không được sang nhượng, tặng cho vì đã có thông báo thu hồi đất.

Người dân sống tại khu E nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa do đã có thông báo thu hồi đất. Ảnh VIỆT HOA

Người dân sống tại khu E nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa do đã có thông báo thu hồi đất. Ảnh VIỆT HOA

Tương tự, 850 hộ dân trong dự án cây xanh cách ly tại hai xã Đa Phước và Phong Phú cũng khó khăn không kém vì nằm trong dự án đã có thông báo thu hồi đất. Dự án này có quy mô gần 270ha, được phê duyệt từ năm 2010 đến nay nhưng cũng chưa thực hiện bồi thường.

Ông Tài cho biết, sau khi có thông báo thu hồi đất thì tối thiểu sau ba tháng đối với đất nông nghiệp và sáu tháng đối với đất ở là phải thu hồi đất để bồi thường. Tuy nhiên, các dự án này đã để quá nhiều năm không thực hiện.

Như Khu E, huyện cũng đã làm tới bước thẩm định giá, có hệ số điều chỉnh giá đất và phương án tái định cư. Người dân cũng đã đồng thuận nhưng đến nay vẫn vướng. Người dân trong khu vực này phải chờ đợi suốt 22 năm nhưng vẫn chưa biết khi nào xong.

“Huyện tha thiết kiến nghị các dự án đã có thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân nhưng chưa chi trả bồi thường thì cho người dân được sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Đối với các dự án có thông báo thu hồi đất chung thì cho phép người dân được mua bán, tặng cho và để đảm bảo quyền lợi cho họ” - ông Tài nói.

Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh cho biết, người dân rất mong mỏi hoặc nhà nước thực hiện dự án theo quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân; hoặc khôi phục quyền lợi hợp pháp về nhà đất để người dân an tâm sinh sống.

Đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế

Theo báo cáo của huyện Bình Chánh, có 244 dự án trên địa bàn huyện đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua từ 2015 đến nay.

Trong đó, có 75 dự án cần thu hồi đất, 153 dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha, 10 dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha, sáu dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dưới 20ha.

Những căn nhà xuống cấp nặng trong dự án treo 22 năm trong khu đô thị Nam TP. Ảnh VH
Những căn nhà xuống cấp nặng trong dự án treo 22 năm trong khu đô thị Nam TP. Ảnh VH

Tính đến nay, có 71 dự án hoàn thành (đạt tỉ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%). Số dự án quá 3 năm chưa thực hiện hiện nay là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%). Huyện Bình Chánh đề xuất loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm là 52 dự án.

UBND huyện Bình Chánh đánh giá công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trên địa bàn huyện đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, gần 50% tổng số lượng các dự án đang triển khai từ các nghị quyết năm 2016, 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành, trên 21% số lượng dự án đã loại hoặc không tiếp tục thực hiện do chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư công, chưa đảm bảo pháp lý chủ trương đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm hoàn thành do công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, trong đó, đơn giá bồi thường chưa thực sự sát với giao dịch thực tế trên thị trường.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa thật sự phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm