Sáng 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chính phủ nhìn nhận Nghị quyết 54 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP.HCM. Tuy nhiên, sau năm năm triển khai thực hiện, TP vẫn chưa đạt được các kết quả như kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Kiến nghị cho phép TP.HCM thí điểm đến 31-12-2023
Theo báo cáo, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 54, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao. Sau thời điểm kinh tế TP tăng trưởng chậm và thậm chí về mức âm trong năm 2020, 2021 thì sáu tháng đầu năm 2022 đã có sự phục hồi liên tục.
Chính phủ cũng nhìn nhận quá trình triển khai Nghị quyết 54, nhiều nội dung còn chậm so với kế hoạch. Đơn cử như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương, chi ứng vốn cho các dự án trung ương trên địa bàn...
Một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp. Chẳng hạn như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư...
Cũng theo báo cáo, mục tiêu của Nghị quyết 54 là hằng năm huy động thêm nguồn lực 40.000-50.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển của TP. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2018-2022, chỉ đạt khoảng gần 18.000 tỉ đồng.
Nguồn thu này mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách trung ương (1.654 tỉ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỉ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỉ đồng), từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho TP vay lại (11.387,3 tỉ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỉ đồng). “Còn các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện...” - báo cáo của Chính phủ nêu.
Các cơ chế, chính sách thí điểm cho TP.HCM cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Theo Chính phủ, nguyên nhân của các hạn chế nêu trên do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Mặt khác, trong năm năm triển khai thì TP mất hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên chưa tập trung toàn bộ thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.
Vì những lẽ đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP kéo dài thời gian thí điểm đến ngày 31-12-2023, đồng thời đưa vào nghị quyết của kỳ họp lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết 54/2017. Ảnh: TTXVN |
Một số kết quả sau năm năm thực hiện Nghị quyết 54/2017 của TP.HCM
• Tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72% (giai đoạn 2011-2015 là 7,22%); bình quân sáu tháng 2022 đạt 3,82% (sau thời gian âm do ảnh hưởng của dịch COVID-19).
• Tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29% (giai đoạn 2011-2015 là 31,07%).
• HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư năm dự án nhóm A với tổng vốn 12.954,3 tỉ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án nhóm B lên nhóm A (tổng mức đầu tư tăng từ 1.402,8 tỉ lên 4.849,3 tỉ đồng).
• Điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp lên 5-6 lần (tăng thu cho ngân sách TP khoảng 132,6 tỉ đồng)…
Ba nhóm vấn đề trong thực hiện nghị quyết
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, thống nhất với báo cáo tổng kết của Chính phủ và thống nhất với kiến nghị cho phép TP.HCM thêm một năm nữa để thí điểm và đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế và vấn đề liên quan đến cả các cơ quan trung ương và TP.HCM trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54.
“Cần nhận diện thẳng thắn những khó khăn, hạn chế do tổ chức thực hiện. Trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của TP phải xử lý (như triển khai giải phóng mặt bằng, triển khai dự án...); vướng mắc do cơ chế phối hợp, không chỉ phụ thuộc vào TP mà liên quan đến nhiệm vụ của các bộ, ngành (như vấn đề sắp xếp lại cơ sở nhà đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư...), cần nêu rõ địa chỉ cụ thể” - ông Cường đề nghị.
Về cơ chế, chính sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng báo cáo cần làm rõ qua thực hiện năm năm, các chính sách có phù hợp với đặc thù của TP.HCM hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho TP.
Ông Cường đề nghị cần bóc tách thành ba nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là những cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp với TP và đã phát huy tác dụng tốt cần tiếp tục áp dụng và nhân rộng. Nhóm 2 là những chính sách cần thiết với TP nhưng chưa phát huy được tác dụng do bối cảnh dịch bệnh, do còn vướng mắc với các quy định khác, đề nghị giải quyết vướng mắc để tiếp tục áp dụng trong giai đoạn tới. Nhóm 3 là những chính sách không phù hợp đề nghị bãi bỏ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đề nghị cần xem xét lại thời gian một năm kéo dài thí điểm, có thể mạnh dạn cho kéo dài đến ngày 31-12-2024. Bởi một năm là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.
Năm năm vẫn chưa bán được hai nhà đất công
Theo báo cáo của UBND TP.HCM về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, riêng trong lĩnh vực đất đai, đến thời điểm này, TP đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79 ha.
Nếu như trước đây, cứ trên 10 ha thì thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy để chuyển mục đích được số dự án nêu trên là không đơn giản và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM được tự quyết việc chuyển mục đích các dự án trên 10 ha đất lúa thì thời gian được rút ngắn rất đáng kể.
Cụ thể, Nghị quyết 54 được phê duyệt vào tháng 11-2017 thì đến tháng 7-2018 có 28 dự án sử dụng đất lúa trên 10 ha đã được HĐND TP.HCM thông qua để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Bốn dự án còn lại cũng được thông qua trong các kỳ họp tiếp theo của HĐND TP. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, TP.HCM tiếp tục đương đầu bởi hàng loạt vướng mắc khi mà các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như tiến độ thực hiện các công trình, dự án của các ngành và các nhà đầu tư; việc thẩm định và ban hành quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khả năng tài chính của chủ đầu tư…
Một trong những khó khăn “kinh điển” mà TP.HCM gặp phải khi triển khai đầu tư xây dựng các dự án là việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, thông tin của người sử dụng đất để ra thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quy trình thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ còn kéo dài…
Địa chỉ nhà đất của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng thuộc Viện KH&CN Việt Nam tại 547 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TP.HCM. Ảnh: CẨM TUYẾT |
Cũng theo Nghị quyết 54, TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo kết quả rà soát của UBND TP.HCM, toàn TP hiện có hơn 2.000 địa chỉ nhà, đất công của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP nhưng rất nhiều nhà đất công đang được sử dụng không đúng mục đích.
Trong hơn 2.000 nhà đất này, TP mới chỉ được bán hai địa chỉ nhà đất của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Gồm địa chỉ 547 Hồng Bàng, phường 14, quận 5 với diện tích đất 61,5 m2, diện tích sàn sử dụng 183 m2 và 185/4 Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, diện tích đất 76,8 m2, diện tích sàn sử dụng 386,4 m2.
Liên quan đến việc này, năm 2018, Bộ Tài chính đã có Quyết định 1072 về việc tổ chức bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tháng 8-2022, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu Viện Cơ học và Tin học ứng dụng báo cáo tình hình và kết quả thực hiện việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 1072.
Như vậy, sau bốn năm TP cũng không được hưởng 50% từ khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với nhà đất công nêu trên do các tài sản này chưa bán được. Riêng hơn 2.000 địa chỉ nhà đất công thuộc quản lý của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP, theo đánh giá của Chính phủ, TP đã “tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai, song do nhiều nguyên nhân, đến nay chưa thực hiện được”.