Trong thư bạn không nói rõ tình trạng bệnh, vì vậy không thể đưa ra kết luận có gây vô sinh hay không. Vì viêm tuyến mang tai có 2 loại: viêm tuyến mang tai đơn thuần và viêm tuyến mang tai dịch tễ (còn gọi bệnh quai bị).
Viêm tuyến mang tai đơn thuần là bệnh lý hay gặp nhưng là bệnh tại chỗ ở ngay tuyến mang tai do vi khuẩn hoặc sỏi từ tuyến mang tai gây ra, thường là một bên và không có yếu tố dịch tễ (không cùng lúc nhiều người mắc). Biểu hiện toàn thân có sốt, tại chỗ thì tuyến mang tai viêm đỏ (sưng, nóng, đỏ, đau), tăng tiết nước bọt.
Điều trị: Ngoài giảm đau hạ sốt thì cho kháng sinh toàn thân đường uống hay tiêm. Bệnh hay tái phát nếu trong một năm mà viêm tái phát trên 5 lần thì có chỉ định mổ cắt tuyến mang tai. Trường hợp này không gây vô sinh.
Viêm tuyến mang tai dịch tễ (còn gọi bệnh quai bị) do virut Paramyxoviridae gây ra. Chúng lây lan trực tiếp bằng dịch tiết của đường hô hấp, có khi gây thành dịch. Biểu hiện viêm tuyến mang tai thường là hai bên. Lứa tuổi hay gặp từ 4-15 tuổi. Toàn thân sốt cao mệt mỏi, đau nhức khắp người. Vùng tuyến mang tai sưng da căng bóng trắng, cứng ấn lõm nhưng không có dấu hiệu (sưng, nóng, đỏ, đau).
Lúc đầu biểu hiện đau chỉ là một bên sau chuyển qua thành hai bên, đau hàm khi há miệng hay khi nhai, giảm tiết nước bọt, miệng khô quánh. Vì là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc đặc hiệu chỉ điều trị triệu chứng và quan trọng biến chứng của nó.
Với tuổi thiếu niên (dậy thì) biến chứng đáng sợ nhất là vô sinh do viêm teo tinh hoàn. Vì vậy nếu bị viêm tuyến mang tai dịch tễ (quai bị) mà đau tinh hoàn (ở nam giới) và đau bụng dưới ở nữ giới, cần khám và điều trị sớm tránh biến chứng đáng tiếc. Phòng bệnh tốt nhất bằng chủ động tiêm vắc-xin.
BS. Vũ Ngọc Anh
Theo suckhoedoisong