Câu chuyện Đà Nẵng “xử” biệt phủ trăm tỉ đồng với một chặng dài những động thái dùng dà dùng dằng không phải là chuyện cá biệt ở nước ta. Đà Nẵng từng yêu cầu tháo dỡ rồi viện lẽ Thanh tra Chính phủ bảo chờ để tạm dừng. Đến khi Thanh tra Chính phủ nói việc của Đà Nẵng thì Đà Nẵng giải quyết, địa phương này mới thật sự ra tay.
Từ chuyện này tôi nhớ đến một vụ án mà tôi từng ngồi ghế chủ tọa xét xử phúc thẩm cách nay vài tháng, khi tôi còn là thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM).
Làm theo chỉ đạo của trên
Chuyện là Công ty Cổ phần Dầu khí Năng lượng Cần Thơ (CAPECO) khởi kiện chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu thu hồi và hủy bỏ Công văn 4109 ngày 29-8-2013. Theo công ty, việc tính lại giá thu tiền sử dụng đất đối với công ty theo kết luận của Thanh tra Chính phủ như công văn nêu là không có căn cứ. Bởi lẽ công văn này có nội dung yêu cầu công ty nộp bổ sung hơn 13 tỉ đồng tiền sử dụng đất cho một dự án kho bãi, trong khi công ty đã đóng đầy đủ.
Đại diện cho chủ tịch UBND TP Cần Thơ trình bày rằng công ty được phép chuyển từ hình thức cho thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền với giá 230.000 đồng/m2. Sau đó công ty đã chuyển nhượng trái pháp luật toàn bộ khu đất hơn 68.000 m2 cho công ty khác với giá 1,4 triệu đồng/m2 (chưa có giấy đỏ và chưa nộp tiền sử dụng đất, cũng không thực hiện các trình tự thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư kho bãi). Việc chuyển nhượng đất đã gây thất thoát cho ngân sách. Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu xử lý vi phạm và thu hồi tiền chênh lệch khi chuyển nhượng. Do đó việc ban hành công văn nêu trên là do công ty có sai phạm, đồng thời cũng là để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Công ty Cổ phần Dầu khí Năng lượng Cần Thơ (CAPECO), người khởi kiện hành chính yêu cầu hủy công văn của chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Ảnh: TL
Trái lẽ công bằng xã hội
Tháng 1-2015, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của công ty.
Công ty kháng cáo nên tháng 5-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm. HĐXX gồm tôi (thẩm phán chủ tọa) và hai thẩm phán Đoàn Thị Ngọc Hà, Trương Vĩnh Thủy đã quyết định tuyên hủy công văn nói trên của chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
HĐXX chúng tôi nhận thấy rằng:
Thứ nhất, tuy công ty có lỗi là đã nhận đặt cọc chuyển nhượng cho công ty khác trước khi được phép chuyển sang hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng nhưng lỗi này Thanh tra Chính phủ kết luận, cơ quan chức năng đã xử lý, không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này.
Thứ hai, xét tính hợp pháp thì công văn đã vi phạm cả nội dung và hình thức. Cụ thể về hình thức, UBND TP Cần Thơ ban hành công văn có xin ý kiến và được sự đồng ý của Thường trực HĐND nhưng lại không báo cáo trước HĐND tại kỳ họp gần nhất. Về nội dung, công văn đã vi phạm Thông tư 145/2007 của Bộ Tài chính và Nghị định 123/2007. Lẽ ra phải căn cứ vào kết quả của những giao dịch thực tế đã hoàn thành mang tính phổ biến khi định lại giá đất thì cơ quan chức năng lại không lựa chọn đủ ít nhất ba bất động sản.
Thứ ba, nội dung công văn trái với nguyên tắc công bằng trong điều chỉnh giá đất. Theo đó, toàn bộ khu đất có nhiều dự án nhưng dự án kho bãi này của công ty lại bị buộc đóng tiền cao hơn những dự án khác. Phía người bị kiện lý giải rằng công văn được ban hành để xử lý kết quả sau thanh tra nên chỉ dự án này bị xử lý là phù hợp kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến này không được chấp nhận bởi lẽ với vai trò là cơ quan hành chính, UBND TP Cần Thơ phải chủ động kiểm tra và ban hành các quyết định để khắc phục những sai sót trong quá trình điều hành và quản lý. Nếu việc sửa sai chỉ giới hạn trong phạm vi kiến nghị của cơ quan thanh tra thì rất thụ động, không đảm bảo sự nghiêm minh và cũng không đảm bảo lẽ công bằng trong xã hội.
Có lướng vướng nhưng phải theo luật
Vụ án này nếu chỉ dừng lại ở kết luận của Thanh tra Chính phủ thì không vấn đề gì. Nhưng khi kết luận rồi trình Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý giao chủ tịch ủy ban thi hành kết luận, chủ tịch ban hành quyết định thì quyết định này lại chính là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính. Tòa hành chính sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định này.
Trường hợp quyết định được ban hành từ kết luận của Thanh tra Chính phủ thì đối tượng khởi kiện lúc này không chỉ là công văn của tỉnh mà sau nó có cả Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Vướng ở chỗ này!
Khi đụng tới yếu tố “Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng, Thủ tướng có ý kiến” thì tỉnh làm theo, mà kết luận của trên lại không chuẩn thì công văn của dưới cũng không chuẩn luôn.
Liệu tòa có đủ bản lĩnh để làm ngược lại quyết định của Thủ tướng? Nếu hủy công văn này HĐXX phải hết sức bản lĩnh, bởi tòa có quyền hủy nhưng thực sự tòa cũng chịu sức ép tâm lý lớn, bởi sau công văn của chủ tịch tỉnh còn là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhưng như đã nói, cuối cùng HĐXX cũng đã tuyên hủy công văn của chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Hễ chút là xin ý kiến chỉ đạo Hằng ngày chúng ta thường nghe câu “kết quả của sự thành công XYZ này là do chỉ đạo sát sao của cấp trên”. Chúng ta mặc nhiên thừa nhận sự chỉ đạo của cấp trên trong tất cả lĩnh vực, từ việc thực hiện một dự án của địa phương đến việc cấp giấy tờ nhà, thậm chí hướng dẫn xét xử một vụ án cụ thể… Thực trạng này có phần do hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực, vấn đề có xung đột pháp luật hoặc các văn bản áp dụng, hướng dẫn của cấp trên chưa rõ nên phải xin ý kiến chỉ đạo để áp dụng pháp luật thống nhất. Nhưng phần lớn là do địa phương, cấp dưới theo quán tính cứ thỉnh thị, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên dù sự vụ đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Trường hợp thứ hai này diễn ra khá phổ biến, phản ánh não trạng ỷ lại, dựa dẫm vào cấp trên, một kiểu thoái thác trách nhiệm, “có gì thì cấp trên chịu, chúng tôi chỉ thừa hành, làm theo chỉ đạo”. Chính tình trạng hở cái gì cũng xin ý kiến đã tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp dưới tính thụ động, ỷ lại, lười tư duy khi giải quyết sự vụ. Có lẽ vì vậy mà có người từng ví von “quản lý như cái ống cống”, cứ có gì là cống nhỏ đổ thẳng ra cống lớn để mình khỏi chịu trách nhiệm gì. Cấp trên có trăm công ngàn việc. Một cái công văn một, hai trang giấy nêu vấn đề, tóm tắt sự việc để xin ý kiến có khi không phản ánh hết bản chất sự việc. Vì vậy, không ít trường hợp công văn trả lời của cấp trên dễ dẫn đến thiếu chính xác, không phù hợp pháp luật. Nhưng đây lại là “bùa hộ mệnh” cho cấp dưới vì “cấp trên đã chỉ đạo, chúng tôi không chịu trách nhiệm”. Ai đó nói cán bộ, công chức như cái máy. Có điều cái máy này sắm ra không phải để thụ động, kính chuyển, thỉnh thị và xin ý kiến. Những cái máy phải được vận hành răm rắp trong hệ thống, khâu nào làm đúng khâu đó, dựa trên những nguyên lý quản lý và quy định pháp luật. Chừng đó thôi nền hành chính nước nhà đã trơn tru, thông suốt và nếu những cái máy có thêm nụ cười nữa thì càng tuyệt vời. VI TRẦN |