“Hơn 12 năm ròng rã họ mới chấp nhận khiếu nại của tôi. Nhưng sau đó họ viện dẫn lý do mới để không giải quyết quyền lợi cho tôi. Chẳng lẽ tôi phải tốn ngần ấy năm nữa để tiếp tục khiếu nại?” - ông Tạ Văn Khởi (Cà Mau) bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM.
Vào tháng 5-1996, ông Khởi ký hợp đồng liên doanh liên kết nghề rừng với Lâm ngư trường 30/4 (huyện U Minh, Cà Mau). Theo đó, ông Khởi được giao 66,5 ha đất rừng trồng từ hai đến bảy tuổi. Ông Khởi phải tổ chức người, phương tiện để bảo vệ, chăm sóc khu rừng và đến ngày khai thác sẽ được ăn chia theo tỉ lệ 50/50 hoặc 40/60 tùy tuổi rừng. Hợp đồng có thời hạn 15 năm. Hết thời hạn này, nếu Nhà nước vẫn tiếp tục hợp tác với người dân thì ông Khởi được ưu tiên ký tiếp hợp đồng.
Tuy nhiên, năm 2003, lâm ngư trường thông báo UBND tỉnh có chủ trương mới (tại Quyết định 39/2003) nên phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn với ông Khởi. Bất ngờ, ông Khởi tìm hiểu thì xác định mình không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 39/2003 nên làm đơn khiếu nại. Lúc này ông Khởi vẫn làm các công việc bảo vệ, giữ gìn rừng như hợp đồng.
Người nhà ông Khởi vẫn túc trực ở các nhà, chòi canh giữ khu rừng liên doanh. Ảnh: TRẦN VŨ
Phía lâm ngư trường không chấp nhận khiếu nại của ông Khởi nên ở chu kỳ trồng rừng thứ hai được khai thác từ năm 2013 đến nay (giá trị khai thác đợt gần 6 tỉ đồng), lâm ngư trường đã không chia lợi cho ông Khởi.
Văn bản ngày 20-11-2004 do ông Ngô Văn Thu, Giám đốc Lâm ngư trường 30/4, ký đã khẳng định lý do thanh lý hợp đồng trước thời hạn với ông Khởi là do thực hiện Quyết định 39/2003. Ngoài ra, ông Khởi nhận khoán rừng nhưng không trực tiếp sản xuất mà giao cho anh em, cha mẹ già trông coi, không đảm bảo điều kiện về nhân, vật lực giữ rừng… nên theo quyết định trên thì phải thanh lý hợp đồng, thu hồi đất.
Tuy nhiên, tháng 8-2015, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau có văn bản xác định việc lâm ngư trường cho rằng ông Khởi thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 39/2003 là chưa chính xác. “Đó là thiếu sót của phía Lâm ngư trường 30/4” - ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định.
Dù vậy, ông Thức vẫn cho rằng việc thanh lý hợp đồng với ông Khởi là đúng vì qua rà soát, Sở NN&PTNT ghi nhận ông Khởi đã có những vi phạm như không tổ chức đủ lực lượng, phương tiện để trực phòng cháy rừng; không trực tiếp sản xuất mà giao cho người nhà trông coi… Tương tự, đại diện chủ rừng hiện nay là ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM: “Ông Khởi có vi phạm nên phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Chúng tôi đã giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho ông Khởi”.
Bức xúc trước lý do “mới phát sinh”, ông Khởi nói: “Hơn 12 năm trời tôi khiếu nại lý do được đưa ra để thanh lý hợp đồng trước thời hạn với tôi. Mới vừa được công nhận thì họ lại đưa ra lý do mới”.
Đây là hợp đồng liên doanh liên kết nên khi hai bên không thỏa thuận được việc ăn chia thì một trong hai bên có quyền kiện ra tòa. Trong vụ này, theo tôi, ông Khởi cần khởi kiện Công ty TNHH MTV U Minh Hạ ra tòa án nơi công ty này có trụ sở. Luật sư LÊ THANH THUẬN, Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau |