Theo Ủy ban TVQH, vấn đề này khi đưa ra thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến nhất trí với dự thảo, có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn giải quyết. Ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới quyết định có đưa vào bộ luật này hay không để bảo đảm tính khả thi, tránh sự lạm dụng tùy tiện của người khởi kiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết quan điểm của Ủy ban TVQH là việc xác định tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật cần căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và của BLTTDS. Trong số vụ việc dân sự mới phát sinh có vụ việc đơn giản, có vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý
Để phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, theo đó TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm hầu hết các vụ việc dân sự, thì không nên quy định các vụ việc dân sự mà chưa có điều luật để áp dụng đều thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh hoặc do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn mà nên quy định nguyên tắc chung như Điều 43 của dự thảo bộ luật là phù hợp "Thẩm quyền của tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 của bộ luật này”.
Để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh lạm dụng trong thực tiễn, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý bổ sung quy định về áp dụng tập quán tại Điều 45 của dự thảo bộ luật. Theo đó, tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự...