Đương sự bất hợp tác, chế tài được không?

Năm 1996, ông NVL hùn tiền mua chung tàu cá với bà NTT (chị ruột) và một người anh ruột khác với giá 65 lượng vàng. Theo thỏa thuận của các bên, bà T. là người trực tiếp quản lý, sử dụng con tàu và chia lợi nhuận.

Không cung cấp địa chỉ, giấu tài sản

Hai năm sau, ông L. mất tích vì tai nạn tàu biển (sau đó tòa án tuyên bố ông đã chết). Bà T. vẫn tiếp tục chia lợi nhuận hằng tháng cho vợ con ông L., đến năm 2013 thì không chia nữa.

Năm 2014, vợ ông L. đã khởi kiện ra Tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng yêu cầu bà T. chia tài sản chung là con tàu này. Theo vợ ông L., trước đây con tàu được mua với giá 65 lượng vàng, chồng bà góp 1/3 vốn thì nay bà yêu cầu lấy lại 1/3 giá trị con tàu.

Trong quá trình tòa giải quyết vụ án, bà T. khai rằng không có việc hùn tiền mua tàu. Con tàu này là do ba người anh khác của bà ở Mỹ gửi tiền về cho bà mua. Trong biên bản hòa giải, bà T. hứa sẽ cung cấp địa chỉ của ba người anh này để tòa yêu cầu họ có văn bản phản hồi ý kiến nhằm chứng minh lời khai của bà T. Biên bản hòa giải cũng ghi rõ: “Đại diện tòa án yêu cầu bà T. cung cấp địa chỉ của ba người này trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày hòa giải hôm nay”.

Tuy nhiên, sau đó nhiều lần tòa đã yêu cầu bà T. cung cấp địa chỉ nhưng bà T. không hợp tác. Không những thế, khi tòa tiến hành xác minh, định giá con tàu thì bà T. tiếp tục bất hợp tác. Ban đầu bà nói tàu cá đang neo đậu ngoài biển, khi cán bộ tòa ra tận nơi thì bà T. lại nhất quyết không chịu chỉ tàu cá của mình ở đâu. Giữa biển trời bao la với hàng trăm con tàu neo đậu, cán bộ tòa đành “bó tay”. Đến khi nguyên đơn cung cấp số hiệu chiếc tàu cá để cán bộ tòa đi xác minh thì bà T. “giấu” luôn chiếc tàu nên tòa không thể tiến hành định giá được.

Khi đưa vụ án này ra xét xử, cả HĐXX và đại diện VKSND đều phê phán thái độ bất hợp tác của bị đơn. Sau khi xem xét vụ án, do không giám định được tài sản do lỗi của bị đơn nên tòa đã chấp nhận theo giá trị mà nguyên đơn đưa ra là 1 tỉ đồng. Trong đó, nguyên đơn chỉ yêu cầu bà T. trả lại 300 triệu đồng nên tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện...


Con tàu tranh chấp nằm lọt thỏm giữa hàng trăm con tàu khác, bị đơn không chịu chỉ ra nên cán bộ tòa “bó tay”. Ảnh minh họa: D.HẰNG

Vẫn xử được nhưng án bị kéo dài

Một trường hợp đương sự làm khó tòa khác cũng xảy ra tại Tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng: Trong một vụ tranh chấp tài sản sau khi ly hôn, khi tòa làm công tác giám định tài sản chung là căn nhà thì bị đơn đóng kín cửa, nhất quyết không chịu cho hội đồng giám định vào nhà để định giá. Hay vụ khác, hội đồng giám định đến định giá tài sản thì bị đương sự thẳng thừng đuổi về. Các cán bộ vòng ra sau lưng nhà chỉ để chụp ảnh thì cũng bị đương sự ra cản trở...

Thẩm phán Trương Chí Trung (Chánh Tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng) cho biết trong án dân sự, thương mại..., các thẩm phán thường xuyên gặp phải trường hợp đương sự bất hợp tác như trên. Thậm chí có những trường hợp đương sự còn cố tình khai nại ra rất nhiều người “liên quan” với mục đích kéo rê vụ án, làm khó tòa.

Theo Thẩm phán Trung, việc đương sự bất hợp tác trước hết sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của chính bản thân họ vì đương sự khai gì thì phải có nghĩa vụ chứng minh. Việc chứng minh lời khai của đương sự không thuộc trách nhiệm của tòa hay của đương sự khác, nếu không chứng minh được thì tòa không chấp nhận lời khai.

Bên cạnh đó, trước các khó khăn mà đương sự gây ra trong công tác định giá tài sản, theo Thẩm phán Trung, nếu không định giá trực tiếp được do đương sự bất hợp tác thì tòa sẽ trưng cầu định giá theo hình thức gián tiếp là thông qua các tài sản tương tự hoặc giấy tờ mua bán tài sản. Nếu hai cách trên vẫn không định giá được thì tòa có thể dựa vào giá trị mà một bên đương sự đưa ra.

Như vậy, tòa vẫn có thể giải quyết được vụ án nhưng rõ ràng tiến độ sẽ bị ảnh hưởng.

Chế tài được không?

Một vấn đề khác, liệu có thể chế tài được những đương sự cố tình bất hợp tác với tòa? Thẩm phán Trung cho biết là rất khó.

Về mặt pháp luật, chỉ có một điều luật liên quan có thể vận dụng là Điều 389 BLTTDS (trong trường hợp đương sự không cung cấp chứng cứ cho tòa). Theo đó, nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của tòa về việc cung cấp chứng cứ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị tòa phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cưỡng chế thi hành. Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm mà cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật là vậy nhưng theo Thẩm phán Bùi Thị Hương (Phó Chánh Tòa lao động TAND TP Đà Nẵng), gần như quy định này chưa hề được các tòa áp dụng vì còn thiếu cụ thể, mặt khác lại thiếu hướng dẫn về quy trình, thủ tục (vấn đề này Pháp Luật TP.HCM đã đề cập trên số báo ra ngày 19-11). Bà Hương cũng cho biết liên quan đến thẩm quyền xử phạt hành chính nói chung của tòa, TAND TP Đà Nẵng vừa xử phạt một trường hợp người dự khán không tuân thủ nội quy phiên tòa nhưng chỉ bằng hình thức cảnh cáo. Bởi lẽ nếu phạt tiền thì không rõ mức phạt ra sao, ai tổ chức thi hành, buộc đương sự nộp phạt ở đâu, nếu đương sự không chấp hành thì sao...

Phải có hướng dẫn

Theo Thẩm phán Hồ Quang Hùng (Phó Chánh Tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng), đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các hình thức, biện pháp chế tài để đảm bảo vấn đề ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ hay hợp tác với tòa để giải quyết án.

Còn luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại đề xuất pháp luật tố tụng dân sự nên có quy định theo hướng nếu đương sự trong vụ án cố tình bất hợp tác thì lần đầu tòa có thể phạt cảnh cáo, nhắc nhở hoặc phạt tiền. Sau đó nếu đương sự tiếp tục cố tình bất hợp tác, tòa có thể xử và tuyên bất lợi cho họ vì chính họ đã tự làm mất quyền lợi của mình.

Cần sửa quy định

Đương sự bất hợp tác, chế tài được không? ảnh 2
 
Đúng là hiện nay cán bộ tòa đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc đương sự bất hợp tác bằng nhiều hình thức, trong đó có việc không cung cấp chứng cứ khiến vụ án kéo dài, tòa thiếu chứng cứ quan trọng để giải quyết án. Điều 389 BLTTDS lại quá chung chung, chưa biết rằng những trường hợp vi phạm cụ thể nào thì bị các hình thức chế tài cụ thể nào, cũng không biết rằng cơ quan nào trực tiếp tổ chức triển khai thi hành các chế tài này... Từ đó dẫn đến việc áp dụng trên thực tế là rất khó. Theo tôi, nhà làm luật cần thiết phải thay thế bằng một quy định khác rõ ràng, cụ thể hơn.

Thẩm phán NGUYỄN HUY ĐỨC,
Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều