“MA TRẬN THÔNG TIN” CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG - BÀI 1

Chiến lược bủa vây, ‘khống chế thông tin’

LTS: Cùng với cuộc đấu tranh chính trị-ngoại giao, pháp lý, cuộc đấu tranh thông tin là một “chiến trường” mà hiện nay Trung Quốc (TQ) đang ra sức, bóp méo sự thật hòng định hướng dư luận theo hướng có lợi cho Bắc Kinh… Pháp Luật TP.HCM xin khởi đăng loạt bài về “Ma trận thông tin” của TQ ở biển Đông để giúp bạn đọc hình dung một cách rõ nét hơn về “cuộc chiến” không tiếng súng nhưng rất khốc liệt này.

Ngay từ năm 2003, TQ đã xác định thông tin là một mặt trận quan trọng có thể tác động làm thay đổi nhận thức chung của dư luận xung quanh nhiều điểm nóng tranh chấp liên quan đến TQ. Do đó, chiến lược “dùng thông tin để khống chế thông tin” được Trung ương Đảng Cộng sản TQ và Ủy ban Quân sự Trung ương cụ thể hóa thành học thuyết “tam chủng chiến pháp” và lần lượt ứng dụng vào vấn đề Điếu Ngư/Senkaku và nay là những tranh chấp trên biển Đông.

Ba mũi tên trí mạng

Hiện nay có thể hình dung cấu trúc cơ bản của “tam chủng chiến pháp” bao gồm ba mặt trận vòng ngoài là: Mặt trận tâm lý, mặt trận truyền thông và mặt trận pháp lý. Có thể hiểu đơn giản đây là sự phối hợp giữa các công cụ chính trị - kinh tế - quân sự với các công cụ về pháp lý làm nền tảng và cuối cùng được khuếch trương tối đa bởi bộ máy truyền thông. Mục tiêu của cả ba mặt trận này có nhiều cấp độ, từ gây nhiễu dư luận tiến đến khống chế và kiểm soát thông tin, từ đó tác động đến tâm lý của các nước liên quan theo chiều hướng TQ mong muốn.

Điểm mấu chốt trong chiến lược này là các bước triển khai nhất quán và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ, ngành liên quan nhằm hậu thuẫn cho các hành động của TQ trên thực địa. Ví dụ như khi TQ tiến hành xây dựng các bãi đá và bị phản đối, lập tức các cơ quan phát ngôn sẽ lên tiếng chính thức, các cơ quan nghiên cứu luật sẽ đưa ra những trích dẫn từ luật quốc gia, luật quốc tế để bảo vệ và các bộ máy truyền thông của TQ sẽ liên tục tuyên truyền những thông tin này ra bên ngoài. Đó là giai đoạn “phòng vệ” thường thấy mà hầu hết quốc gia đều phải thực hiện.

Ngay sau đó, đồng loạt các cơ quan trên sẽ chuyển ngay sang giai đoạn “tấn công”. Giai đoạn này mới là phần then chốt trong “tam chủng chiến pháp”. Trong đó trên mặt trận tâm lý, TQ sẽ lên án ngược lại các bên liên quan, thậm chí đưa ra những biện pháp đáp trả về quan hệ chính trị, trừng phạt kinh tế hoặc đe dọa vũ lực. Trên mặt trận pháp lý, TQ sẽ áp đặt luật quốc gia hoặc luật quốc tế dẫn những điều có lợi cho TQ một cách hệ thống, bác bỏ các trích dẫn luật của đối phương. Và trên mặt trận truyền thông, đồng loạt các bộ máy truyền thông đại chúng TQ sẽ đăng lại quan điểm chính thức của nhà nước cũng như của giới học thuật TQ dưới nhiều cấp độ khác nhau (từ khách quan, chủ quan đến cả các quan điểm hiếu chiến) với mật độ dày đặc, độ khuếch đại và công kích đối phương lớn hơn hẳn. Chiến lược phối hợp như vậy đã được áp dụng tại nhiều điểm nóng và trên thực tế đã đem lại cho TQ không ít thắng lợi trên thực địa.

TQ đang “dàn trận” về thông tin để hỗ trợ chiến lược xây đảo nhân tạo trên thực địa. Ảnh: CSIS

Nhìn lại vụ tấn công chớp nhoáng Scarborough

Trường hợp TQ chiếm hữu thực tế bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham năm 2012 là một minh chứng tiêu biểu. Đây là một bãi cạn nằm trong tuyên bố chủ quyền của nhiều bên trên biển Đông (có cả TQ và Philippines) và đang do Philippines chiếm đóng trên thực địa. Bãi cạn này nằm cách căn cứ hải quân chiến lược Subic của Philippines 120 dặm nên có vị trí chiến lược quan trọng.

Vào đầu tháng 4-2012, lực lượng hải quân Philippines phát hiện và bắt giữ các tàu cá đánh bắt các loại hải sản trái phép (theo luật của Philippines) ở vùng biển quanh bãi cạn Scarborough. Ngay lập tức, TQ điều động các tàu hải giám đến ngăn cản hoạt động chấp pháp của phía Philippines và cả hai bên kình nhau suốt 10 tuần sau đó. Đến 15-6-2012, Philippines quyết định rút các tàu của mình khỏi khu vực và các tàu hải giám, đánh cá của TQ chỉ còn việc bao bọc lại và chiếm hữu bãi cạn này.

Trên mặt trận truyền thông, hòa theo phát ngôn chủ đạo của Đới Bỉnh Quốc (Ủy viên Quốc vụ viện TQ đặc trách các vấn đề biển Đông) rằng “Philippines ăn hiếp TQ”, hàng loạt bộ máy truyền thông TQ đã thực hiện các bài báo, bài bình luận nhằm phê phán, lên án, thậm chí còn liên tục đe dọa tấn công Philippines. Trên thực địa, số lượng tàu hải giám và tàu đánh cá của TQ cũng được điều động đến đông hơn hẳn lực lượng của Philippines. Những điều này đã tác động lớn đến lập trường giữ Scarborough của chính phủ Philippines.

Không chỉ vậy, TQ còn tận dụng các kênh ngoại giao nước lớn để gây áp lực lên Mỹ, vốn vẫn được xem như phương thức phòng vệ mạnh nhất về phía Philippines, lúc này trở thành đối tác trung gian hòa giải của cả hai bên. Và sự trung gian của Mỹ với chủ trương kiềm chế đã thuyết phục được Philippines rút tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough. Có thể nói “tam chủng chiến pháp” đã làm kiệt sức chính phủ Philippines. Hiện nay, TQ vẫn đang nắm quyền chiếm hữu thực tế trên bãi cạn Scarborough.

Mỹ ráo riết thực hiện các chuyến bay giám sát để bày tỏ thái độ và chia sẻ thông tin thực địa. Ảnh: CNN

Triết lý đối phó TQ

Tuy nhiên, nên nhớ rằng đã là một chiến lược, chắc chắn sẽ có ưu và nhược điểm. Thường thì nếu ưu điểm càng lớn, nhược điểm sẽ càng nặng nề. Có thể thấy ở đây, TQ tiến hành chiến lược “dùng thông tin khống chế thông tin” với cách triển khai theo học thuyết “tam chủng chiến pháp”. Ba mặt trận này như thế chân vạc, mỗi mặt trận là một trụ cột trong mặt trận thông tin nói chung. Điều này đồng nghĩa với thực tế: Chỉ cần một cột trụ bị gãy thì cả mặt trận lớn sẽ không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Để khắc phục nhược điểm này, TQ đã xây dựng thêm một mặt trận không công bố nhằm kết nối độ bền vững của cả ba mặt trận trên. Đó là mặt trận học thuật, mà lực lượng chủ đạo chính là cộng đồng học giả của TQ. Vai trò của mặt trận này rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp ứng dụng vào các điểm nóng ở biển Đông, khi các cơ sở pháp lý của TQ là rất yếu. Vai trò của các học giả TQ là tác nhân góp phần củng cố, bồi đắp, thậm chí ngụy tạo những cơ sở pháp lý mơ hồ của nước này nhằm tôn tạo sự hợp lý tối thiểu trong lập trường của chính phủ TQ.

Tuy nhiên, các lập luận như vậy sẽ bị cộng đồng học giả của các nước khác phát hiện, phản biện và công bố. Do đó, “khắc tinh” của “tam chủng chiến pháp” trên biển Đông chính là sự đồng thuận về quan điểm của cộng đồng học giả khu vực và quốc tế. Trong đó, điểm cốt lõi vẫn là cộng đồng học giả của các quốc gia có liên quan trực tiếp đến những điểm nóng mà TQ nhận là “có tranh chấp” trên biển Đông. Nếu cộng đồng học giả của các quốc gia có lợi ích chính đáng về luật pháp quốc tế chia sẻ được quan điểm, kết nối thành công và được sự ủng hộ của cộng đồng học giả quốc tế, các quốc gia đó sẽ chế ngự và chiến thắng “tam chủng chiến pháp” của TQ trên mặt trận thông tin.

Chỉ sau 10 tuần đụng độ trên Scarborough, TQ đã chiếm hữu thực tế bãi cạn này từ Philippines mà không mất một viên đạn. Đây chính là một thắng lợi lớn của “tam chủng chiến pháp”. Trong 10 tuần đó, TQ đã liên tục chuyển tải những thông điệp ngoại giao lên án quá trình “quân sự hóa tranh chấp” của Philippines tại bãi cạn Hoàng Nham (do Philippines sử dụng tàu hải quân ngay từ đầu), từ đó lên án Philippines vi phạm DOC và hàng loạt các quy tắc hòa bình trong luật quốc tế cũng như thái độ bất hợp tác trong đàm phán của Philippines. Đồng thời, TQ còn tiến hành lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines (sau này được gọi là “cuộc chiến tranh chuối”) gây ảnh hưởng nặng nề lên mặt hàng xuất khẩu then chốt của Philippines mà 10 năm nay vẫn đều đặn gia tăng sản lượng xuất khẩu qua TQ.

(*) ThS Lục Minh Tuấn là Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) - Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm