Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc xoay quanh thông tin Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất và xây đảo nổi trái phép ở bãi đá ngầm Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Phi pháp chồng phi pháp
. Phóng viên: Sau gần hai tháng Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, có thông tin cho hay Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất và xây đảo nổi trái phép ở bãi đá ngầm Gạc Ma (mà Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực năm 1988). Ông nhìn nhận gì về những diễn biến này?
+ Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Trung Quốc đã chơi trò “giương Đông kích Tây”. Họ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam chỉ là động tác giả để hút dư luận thế giới tập trung vào đó, rồi âm thầm thực hiện việc biến bãi đá Gạc Ma thành một cứ địa chiến lược về mặt quân sự trên biển Đông.
Rõ ràng về địa chiến lược Gạc Ma đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu đúng như Trung Quốc đã tuyên bố trong một bài báo trên Tân Hoa Xã rằng “Trung Quốc xây dựng mở rộng Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc” thì đây là một nước đi hết sức nguy hiểm. Nhất là khi bài báo này không ngần ngại nêu rõ việc mở rộng Gạc Ma là bước đệm để máy bay chiến đấu của họ có thể xâm nhập toàn bộ khu vực Trường Sa. Vậy chẳng khác nào họ muốn xây dựng một sân bay án ngự ở biển Đông.
Hình ảnh Gạc Ma bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng từ ngày 13-3-2012 đến 25-2-2014. Ảnh: Phil Star
Một khi hình thành được cứ điểm quân sự ở đây, Trung Quốc không chỉ có thể khống chế quần đảo Trường Sa mà còn tạo thành bàn đạp “quản” cả biển Đông; không chỉ khống chế trên biển mà còn có thể tác động rất lớn, chí ít trở thành “cái gai rất chướng” đối với các hoạt động kết nối giữa lục địa và biển của Việt Nam.
. Thưa ông, xem ra những gì Trung Quốc cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông về việc không thay đổi hiện trạng trên biển Đông đã không được tuân thủ?
+ Theo Điều 5 của tuyên bố này thì các bên cam kết phải tôn trọng hiện trạng, không sử dụng vũ lực và các biện pháp khác thay đổi hiện trạng. Tuy nhiên, theo tôi biết thì Trung Quốc lại lý giải rằng việc thay đổi hiện trạng là không chiếm thêm chứ không phải là việc cải tạo bãi đá ngầm thành đảo như họ đang làm. Họ hay có những lý giải theo cách của riêng mình một cách ngược ngạo như thế, bất chấp những cam kết và luật pháp quốc tế. Trong khi các chuyên gia quốc tế đều cho rằng đây là hành vi thay đổi hiện trạng nhằm hợp thức hóa cho sự cưỡng đoạt chủ quyền bằng vũ lực đối với bãi đá ngầm này. Ở đây ta phải minh định cho thật rõ thế này: Đây là bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép bằng vũ lực - điều mà luật pháp quốc tế nghiêm cấm. Với sự chiếm đóng bất hợp pháp như thế thì mọi hoạt động của họ trên bãi đá ngầm ấy là hoàn toàn phi pháp. Không có gì có thể biện minh khi anh dùng hành động phi pháp này chồng lên một hành động phi pháp khác như thế.
Đừng để mọi chuyện vượt giới hạn
. Theo đánh giá của ông, hành động này của Trung Quốc nằm ở đâu trong chuỗi âm mưu biến biển Đông thành “ao nhà” của mình?
+ Đây là “các móc neo” rất quan trọng để Trung Quốc thực hiện những tham vọng chưa bao giờ từ bỏ đối với việc biến biển Đông thành “ao nhà” của họ. Cụ thể là đối với việc hiện thực hóa đường lưỡi bò đầy tham vọng của mình. Vì một khi chuyển Gạc Ma thành đảo thì nó sẽ kết nối các điểm chiếm đóng bất hợp pháp của mình thành một chuỗi điểm đảo trên biển Đông. Nó là cơ sở để Trung Quốc đòi hỏi các yêu sách của mình về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trên cơ sở đó khống chế biển Đông và tạo ra sức mạnh để có thể dằn mặt các thế lực đối trọng khác; lấn tới việc hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp thâu tóm 80% diện tích biển Đông, như họ đã vẽ ra.
Một điều hết sức đáng lưu ý là Trung Quốc đang ngang nhiên làm ngay trên thực địa. Họ bất chấp tất cả để biến mọi sự sai trái từ trước tới nay thành hợp pháp. Và đây là tiền lệ rất không tốt, có thể làm cho tình hình trên biển Đông vốn đã phức tạp, đã nóng sẽ càng trở nên khó kìm hãm.
. Trước hành vi hết sức nguy hiểm này, ông nghĩ các nước trong khu vực, nhất là những nước có quyền lợi trực tiếp trên biển Đông sẽ phản ứng thế nào?
+ Hiện nay, Việt Nam đã có những phản ứng lên án và bác bỏ những hành động trái phép này của Trung Quốc và tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình ở Trường Sa. Philippines cũng đã trực tiếp lên tiếng phản đối. Tất nhiên, thật khó dừng lại ở đó nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới một cách đầy tham vọng như vậy. Tôi nghĩ Việt Nam cũng như các bên cũng đã có những đối sách phù hợp của mình. Nhưng vấn đề ở đây là làm sao đảm bảo cho hòa bình trên biển Đông được duy trì và hơn ai hết Trung Quốc cũng thấu hiểu điều này. Còn nếu như để mọi chuyện vượt các giới hạn thì chủ quyền đối với các quốc gia là điều vô cùng thiêng liêng và sẽ chẳng ai có thể ngồi yên để cho anh muốn làm gì thì làm dù anh có mạnh như thế nào đi chăng nữa.
Cũng phải thấy rằng Trung Quốc đã dự tính được các phản ứng có thể nên họ đang dùng nhiều cách thức để phân tán sức mạnh của các nước trong khối ASEAN. Sẽ là rất bất ổn nếu để Trung Quốc “bẻ từng chiếc đũa”. Nhưng tôi tin rằng các nước đều nhận thấy rõ quyền lợi của quốc gia mình bị tổn thương, bị xâm phạm nếu để đường chín đoạn của Trung Quốc được hiện thực.
Trong chính sách hướng Đông ắt Mỹ không thể không biết đến những hoạt động của Trung Quốc hiện nay ở biển Đông, trong đó có hoạt động cải tạo bãi đá ngầm này. Mới đây, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã cho rằng hoạt động thay đổi nguyên trạng này của Trung Quốc là rất đáng sợ và “Mỹ có quyền tiến hành các nhiệm vụ hợp pháp ngoài không phận Trung Quốc…”. Điều này cũng có thể dự báo được nhiều điều…
. Xin cảm ơn ông.
MẠNH LÊ thực hiện