HĐXX chấp nhận kháng cáo nhưng chỉ sửa bản án sơ thẩm về việc tăng tiền bồi thường mà không phải hủy bản án theo đề nghị của VKS.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18 giờ ngày 9-10-2017, Lê Văn M. thấy TQTT đi qua trước nhà nên kêu lại nói chuyện vì trước đó T. có đạp ngã xe của mẹ M. Trong lúc nói chuyện, M. và T. xảy ra xô xát, đánh nhau. Lúc đó, Trần Nhựt P. đi đến thấy nên vào can ngăn.
Cùng lúc đó, ông Lê Văn V. là cha M. nhìn thấy tưởng P. và T. cùng đánh M. nên xông đến đánh P. Do bị đánh nên P. cũng đánh lại nhiều cái vào người ông V. Trong lúc đánh nhau, thấy cha bị P. đánh nên M. chạy vào tiệm sửa xe gần đó lấy con dao chém trúng tay trái của P. Ông V. nhặt một thanh gỗ tròn gần đó đánh vào vai trái của P. Cha con ông M. chạy vào nhà đóng cửa lại. P. được đưa đi cấp cứu, bị thương tích ở khuỷu tay 8%, gãy xương sườn trái 3%. Ngày 18-10-2017, P. có đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với M.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành, Bến Tre đã tuyên phạt M. sáu tháng tù cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích. Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc bị cáo M. và cha liên đới bồi thường cho P. hơn 51 triệu đồng.
Ông V. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm hủy phần trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm. Theo bị cáo, tòa buộc liên đới bồi thường là không có căn cứ vì ông không gây ra thương tích cho P. Ông V. cũng bị thương tích và có yêu cầu bồi thường 27.054.000 đồng (gồm tiền thuốc, tiền xe, mất thu nhập và tổn thất về tinh thần) nhưng không được tòa giải quyết và không được đề cập trong bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, M. khai chỉ dùng dao chém gây thương tích P. ở khuỷu tay; còn thương tích xương đòn sau này biết là do cha gây ra. M. đồng ý tự nguyện bồi thường cho P. toàn bộ hơn 51 triệu đồng, ông V. không phải bồi thường...
VKS cho rằng xét kháng cáo của ông V. thấy rằng tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ vai trò đồng phạm của ông V. mà buộc ông cùng bồi thường là không có căn cứ, kháng cáo của ông V. là có cơ sở nên đề nghị hủy án sơ thẩm.
Đồng tình với VKS, tòa phúc thẩm nhận định tại tòa M. tự nguyện nhận bồi thường toàn bộ mà ông V. không phải bồi thường. Xét đây là sự tự nguyện của M. nên được ghi nhận. Ông V. kháng cáo yêu cầu P. bồi thường thiệt hại do bị gây thương tích tổn thương cơ thể 3%. Yêu cầu này đã được bản án sơ thẩm ghi nhận là ông V. không yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích. Nhưng nội dung này bị ông V. kháng cáo và ông yêu cầu thêm nhiều phần bồi thường khác. Xét yêu cầu bồi thường của ông V. có nhiều khoản chưa được cấp sơ thẩm giải quyết và không thỏa thuận được tại phiên tòa phúc thẩm nên cần tách yêu cầu bồi thường của ông V. để ông kiện bằng vụ kiện dân sự khác.
Từ đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của ông V. và sự tự nguyện bồi thường của M., sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự mà không phải hủy bản án sơ thẩm theo như đề nghị của VKS.