Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay ở Việt Nam dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tương lai nòi giống của các quốc gia, dân tộc.
Trong 30 năm qua, nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả ba tiêu chí, đó là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Cũng những năm đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì vài ba năm trở lại đây, mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 trường hợp tử vong.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: MINH QUYẾT/TTXVN
Chương trình điều phối của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt Nam là một trong bốn quốc gia cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh 30 năm qua, Việt Nam là quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, song công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong. Vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc lựa chọn chủ đề của năm 2020 là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam” này mang nhiều ý nghĩa, nó nhắc nhở mỗi chúng ta không quên rằng Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng, chống HIV, là thời điểm để nhìn nhận lại công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS và có những điều chỉnh phù hợp trong chặng đường sắp tới; nhắc nhở chúng ta rằng dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam nhưng cũng nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi và cũng để chúng ta nhìn thấy cơ hội và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030.
(PLO)- Nếu tuân thủ điều trị đúng phác đồ, người mắc HIV/AIDS có thể sống thêm 40 đến 60 năm.