Việt Nam cùng ASEAN hướng đến cộng đồng không ma túy

Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) là cơ chế thường niên trong khuôn khổ của AIPA nhằm hỗ trợ việc chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết và kinh nghiệm hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong đấu tranh chống tội phạm ma túy; thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật về lĩnh vực này trong ASEAN, hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy.

Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các nghị sĩ đại diện các nghị viện thành viên AIPA, tổng thư ký AIPA, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành của VN, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước ASEAN tại VN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội VN Tòng Thị Phóng cho rằng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như ma túy không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực. Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh kinh tế và xã hội đối với tất cả quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm nay, các nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống kép, đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả quốc gia. 

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, VN luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực. Chủ trương, chính sách, pháp luật của VN luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

Theo bà Tòng Thị Phóng, chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Theo đó, cần lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Năm 2019, thu giữ 115 tấn ma túy

Phát biểu tại hội nghị, ông Inshik Sim, đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, cho hay các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng liên tục các vụ thu giữ methamphetamine trong thập niên qua, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chỉ riêng trong năm 2019, các quốc gia trong khu vực xác nhận lượng ma túy bị thu giữ lên đến 115 tấn.

“Vấn đề ma túy ở Đông Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh và kinh tế đối với các quốc gia có liên quan. Để vượt qua khủng hoảng này, cần phải cấp thiết xây dựng các chính sách về ma túy, trong đó chú trọng các biện pháp xã hội, kết hợp hành chính, hình sự” - đại diện UNODC khuyến nghị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới