Việt Nam nên sớm áp dụng phương án cách ly F1 tại nhà

Tôi sống tại Canada. Hơn một năm nay, do nhiệm vụ công tác, tôi phải liên tục di chuyển đến các quốc gia khác nhau. Đó cũng là khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, thậm chí nghiêm trọng ở nhiều nước. Và như vậy, tôi được trải nghiệm nhiều hơn công tác chống dịch ở các nước bạn.

Trước ngày bay qua quốc gia khác công tác, mỗi chuyên gia đều phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 tự nguyện để làm thủ tục xuất nhập cảnh và lên máy bay.

Khi tôi hoàn tất công tác tại Malaysia, tôi đã tiếp tục sang Singapore. Khi xong công việc, chuẩn bị bay sang Myanmar, tôi được phát hiện dương tính khi thực hiện xét nghiệm Quick test. Tất nhiên là tôi không được bay và khi đó tôi buộc phải làm thêm xét nghiệm Swab test theo chỉ dẫn để chắc chắn việc không bị dương tính giả. Kết quả Swab test tôi cũng dương tính và cho tới lúc đó, tôi không hề có biểu hiện sức khỏe gì đáng lo như sốt, nhức đầu, ho...

Tôi lập tức thông báo cho đơn vị y tế quản lý khu vực tôi đang sinh sống để được hướng dẫn. Vì ngay từ đầu, tôi đã được phổ biến quy định chống dịch là khi nhiễm bệnh thì phải ở yên tại chỗ. Tôi không được tự tiện đi đến bệnh viện mà phải liên hệ trước.

Sau đó, tôi được bác sĩ tới khám tận nơi. Mọi thứ đều tốt, tôi chưa có triệu chứng gì bất thường. Bác sĩ cho đơn thuốc gồm hạ sốt, giảm đau, kháng viêm và dặn chỉ sử dụng khi có triệu chứng sốt, ho, đau nhức.

Tôi cũng được cấp mã số cách ly dành cho F0 và ký giấy cam kết phải tự cách ly tại chỗ trong vòng 21 ngày (F1 chỉ cách ly 14 ngày, F0 là 21 ngày), không được ra khỏi phòng. Phòng ở của tôi cũng bị giăng dây niêm phong, chỉ nhân viên y tế có thẩm quyền mới được gỡ.

Thực phẩm nếu cần, tôi cũng đăng ký để được đội ngũ chống dịch cung cấp tận cửa, không được tự ý đi mua sắm.

Nếu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, nôn ói tăng dần, tôi chỉ cần gọi ngay số cấp cứu được cung cấp, đọc mã số là sẽ có nhân viên y tế gần nhất hỗ trợ ngay lập tức.

Sau mỗi bảy ngày, tôi sẽ được xét nghiệm lại để xem tiến triển. Và sau 14 ngày, tôi đã có kết quả âm tính, sau 21 ngày cũng vậy nên tôi được chấm dứt cách ly, được cấp giấy xác nhận để lên máy bay đi Myanmar.

Ở Singapore, tôi thấy điều kiện cách ly khách sạn/tại nhà là giống nhau, áp dụng cho cả công dân lẫn người nhập cư theo mọi diện (du học sinh, du khách, chuyên gia công tác...). Với các F0, nếu chưa có triệu chứng nghiêm trọng hay F1, F2... đều được cách ly tại nhà, dĩ nhiên phải có phòng riêng. Còn nếu gia đình đông người, mà trong đó có một người F0 thì F0 được khoanh vùng ngủ riêng, ăn riêng, vệ sinh cá nhân riêng, đeo khẩu trang 24/24 giờ, có thêm đồ bảo hộ y tế, còn lại các thành viên khác thì vẫn bình thường.

Cổng nhà sẽ được niêm phong, không ai được ra khỏi khuôn viên nhà. Nếu vi phạm sẽ bị phạt mức rất cao. Như ở Canada, mức phạt này thậm chí lên tới 750.000 CAD, tái phạm lần 2 lập tức có cảnh sát tới làm việc và phải đối mặt với án tù lên tới sáu tháng; còn tại Singapore sẽ bị phạt 6.000 USD; Malaysia bị phạt cũng 2.500 USD… Đây cũng chính là lý do khiến người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn, bởi dịch bệnh là trường hợp khẩn cấp đặc biệt, mức giới nghiêm chỉ sau mỗi chiến tranh nên không có chuyện tự tung tự tác.

Nhờ cách thực hiện này, ngành y tế giảm tải được rất nhiều, kể cả chi phí. Vì chi phí cách ly tại nhà thì chỉ trả tiền cho đồ bảo hộ (nếu F0 ở chung với gia đình), dung dịch sát khuẩn, thuốc giảm đau hạ sốt, kháng viêm nếu có đơn thuốc...

Như tôi khi cách ly 21 ngày chỉ tốn 12 USD, tiền thuốc và dung dịch khá ít, không tốn tiền cho đồ bảo hộ.

Việc cách ly tập trung gây bất tiện và tốn kém lớn cho công dân về đi lại, ăn ở, sắp xếp công việc nhà. Đặc biệt là trẻ con, người già, bệnh nhân mạn tính thuộc diện F1 đi cách ly tập trung sẽ rất nguy hiểm cho họ khi phải thay đổi nếp sinh hoạt cho phù hợp khu cách ly chung.

Tôi rất vui khi thấy công tác chống dịch ở Việt Nam rất tốt nhưng để làm được thì đội ngũ y tế đã rất áp lực và quá tải. Cả nước phải huy động nguồn lực lớn về con người và cơ sở hạ tầng.

Chúng ta cũng có luật, có những quy định chế tài xử phạt cho những ai vi phạm về phòng chống dịch bệnh. Chúng ta có thể học hỏi thêm kinh nghiệm một số nước để thực hiện càng sớm càng tốt, có như vậy mới sớm giảm tải cho đội ngũ y tế khi dịch đang có chiều hướng phức tạp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm