Ông cũng cho biết một trong những lý do để ông có mặt tại Việt Nam là muốn được đến thăm những địa điểm gắn liền với lịch sử.
Bên cạnh đó, Jack Weatherford cũng có một tình cảm đặc biệt với Việt Nam bởi khi ông còn trẻ, người cha của ông đã tham gia cuộc chiến ở Việt Nam và bị nhiễm chất độc màu da cam do bom hóa học của quân đội Mỹ. Chính từ chương sách buồn này, GS Jack Weatherford học được cách tôn trọng cả nỗi đau và lòng dũng cảm của người Việt Nam.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm.
Nhắc lại thời điểm người Mông Cổ lần thứ ba thất bại trong cuộc xâm chiếm Đại Việt, GS Jack Weatherford cho hay sau thất bại đó, Mông Cổ không muốn một cuộc tranh chấp nào nữa.
"Việt Nam (lúc đó là Đại Việt) như một bước ngoặt của đế quốc Mông Cổ. Việt Nam là mấu chốt của sự tan rã của Mông Cổ. Sau khi bị đánh bại ở Việt Nam, đế quốc Mông Cổ đã dần dần tan rã. Ngày hôm nay, thế giới luôn luôn nhớ đến sự kiện quân Mông bị đánh bại ở Bạch Đằng nhưng ít người biết rằng những người đánh bại quân Mông Cổ năm ấy lại là những người Việt Nam" - ông Jack Weatherford nói .
Lý giải thêm về nguyên nhân thất bại của Mông Cổ ở Việt Nam, GS-TS Đào Đình Bắc (khoa Địa lý, ĐH Khoa học tự nhiên) nhất trí với quan điểm mà Jack Weatherford đưa ra: Nếu Thành Cát Tư Hãn là một người chinh phục vĩ đại nhất trong lịch sử loài người thì dân tộc Việt Nam cũng là dân tộc vĩ đại nhất, hiếm có nhất trong lịch sử loài người không bị đế quốc Mông Cổ chinh phục.
Cũng theo GS-TS Đào Đình Bắc, chúng ta thắng được quân Mông Cổ bởi họ khi vào đến Việt Nam giống như trường hợp đến Áo, Đức… đến những nước xa hơn vùng đồng cỏ ở châu Âu thì đều không thể tồn tại được, đó là vấn đề địa lý. Đây là sự trả thù của địa lý.
Tiếp đó, quân Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đi đâu không mang theo nhiều lương thực, đến đâu cướp bóc đến đó. Khi đến Việt Nam, quân nhà Trần đã làm vườn không nhà trống khiến cho đội quân Mông Cổ không có lương thực, cộng thêm nữa đó là yếu tố khí hậu.
Hơn nữa, chúng ta thắng một phần do sự thông minh, sáng tạo của các vị thủ lĩnh, tinh thần kiên quyết chiến đấu của dân tộc ta không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
Thành Cát Tư Hãn là nhà chinh phạt vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Sau khi đế quốc của ông ra đời vào năm 1206, nó tiếp tục mở rộng suốt gần một thế kỷ. Chỉ có một thất bại lớn duy nhất trong cuộc chinh phục của Mông Cổ: Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên trường thế giới.