800 năm săn tìm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn

Sau một thời gian dài vô vọng, với sự phát triển của công nghệ, cuộc săn tìm lăng mộ bí ẩn của nhà lãnh đạo đế quốc Mông Cổ xa xưa - Thành Cát Tư Hãn đã xuất hiện những manh mối mới. Nhà thám hiểm người Mỹ Alan Nichols, nay đã 86 tuổi, tuyên bố với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng ông đang dẫn đầu một cuộc khảo cổ mới để tìm kiếm lăng mộ của vị Đại Hãn huyền thoại. Nichols từ chối tiết lộ vị trí cụ thể mà chỉ nói khu vực khảo cổ là một “vùng núi X”.

Bí ẩn 800 năm

Trong suốt gần 800 năm qua, các chuyên gia khảo cổ, những nhà nghiên cứu, những tay thám hiểm và cả những kẻ săn lùng kho báu đã “xới từng tấc đất” của vùng núi thiêng Burkhan Khaldun (tỉnh Khentii, Mông Cổ) để tìm kiếm lăng mộ của vị Đại Hãn quyền lực nhất thế giới trong thế kỷ 13 sau Công nguyên. Nhiều người thậm chí đã dành trọn cuộc đời để truy tìm hầm mộ này, thế nhưng vẫn không có bất kỳ thành công nào.

Dù tính bằng số lượng bại binh, số thành bang chịu quy hàng hay tổng diện tích lãnh thổ chiếm giữ được, Thành Cát Tư Hãn đều bỏ xa mọi kẻ chinh phục, mọi nhà lãnh đạo trong lịch sử nhân loại. Những binh sách và chiến công của ông đều đã quá nổi tiếng. Tuy nhiên, cách thức mà người Mông Cổ xa xưa chôn cất vị Đại Hãn huyền thoại của mình vẫn còn chìm trong bức màn bí ẩn. Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh việc Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227. Theo SCMP, có rất nhiều giai thoại kể về cái chết của ông. Có tích kể rằng ông bị giết trên chiến trường, tích khác lại bảo rằng ông bị thương và nhiễm trùng mà chết. Thậm chí những kẻ chống lại Thành Cát Tư Hãn còn lưu truyền tin đồn rằng một mỹ nữ vương giả của nước Tây Hạ sau khi bị bắt giữ đã đặt bẫy vào trong “chỗ kín” của mình, cắt đứt dương vật của vị Đại Hãn khiến ông chết vì mất máu.

Tương truyền, sau khi vị Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ qua đời, một đoàn tinh binh đặc biệt trung thành với Thành Cát Tư Hãn đã được giao nhiệm vụ hộ tống thi thể ông, đưa từ Tây Hạ trở về Mông Cổ. Việc chôn cất Đại Hãn được giữ tuyệt đối bí mật. Những chiến binh hộ tống được lệnh giết hết cả người và thú vật trên đường đưa thi thể Thành Cát Tư Hãn hồi quốc. Truyền thuyết kể rằng sau khi chôn cất vị Đại Hãn, hơn 800 kỵ binh đã được lệnh dày xéo vùng đất nơi có lăng mộ của Đại Hãn để ngụy trang. Sau đó toàn bộ kỵ binh này cũng bị thủ tiêu để không ai có thể tiết lộ. Những đao phủ được nhận lệnh giết các kỵ binh này sau đó cũng chịu chung số phận. Cuộc tắm máu tiếp diễn đến khi không còn kẻ nào có thể hé môi nói về nơi chôn cất Đại Hãn.

Bí mật về lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn cứ thế được chôn giấu mãi mãi dưới lớp đất, xác người và máu. Hàng thế kỷ qua, có nhiều người tuyên bố đã xác định được vị trí lăng mộ truyền thuyết của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, chưa từng có ai thật sự chứng minh được rằng mình nói đúng. Lăng mộ linh thiêng nhất của người Mông Cổ vẫn bặt vô âm tín.

Lăng mộ chôn cất Thành Cát Tư Hãn suốt 800 năm qua vẫn chưa được bất kỳ ai phát hiện. Ảnh: Giannella M. Garrett

Nhen nhóm hy vọng mới

Trả lời SCMP, cựu Chủ tịch CLB Thám hiểm của New York, luật sư 86 tuổi Alan Nichols, khẳng định mọi công cuộc tìm kiếm lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn suốt gần 800 năm qua đều đã “nhầm địa chỉ”. Nichols là một nhà thám hiểm dày dạn kinh nghiệm hàng đầu thế giới. Ông đã dẫn đầu đến chín cuộc thám hiểm tiên phong của CLB này đến các địa điểm khảo cổ chưa ai đụng đến. Ông cũng là một chuyên gia về các vùng núi thiêng tại Mông Cổ. Theo SCMP, Nichols cũng chính là người đầu tiên đi hết toàn bộ Con đường tơ lụa, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Quốc, bằng xe đạp.

Sở dĩ những nỗ lực tìm kiếm lăng mộ của vị Đại Hãn đều nhắm đến vùng núi thiêng Burkhan Khaldun là do Thiết Mộc Chân (tên thuở thiếu thời của Thành Cát Tư Hãn) được tương truyền đã ra đời gần vùng núi này. “Tất cả nhà thám hiểm hiện đại đều nhắm đến: Từ Albert Lin - chuyên gia thám hiểm của kênh National Geographi, Kravitz - nhà khảo cổ học, người Nhật Bản, rồi hàng tá các cuộc tìm kiếm quy mô nhỏ khác. Tất cả họ đều sai hết rồi!”. Nichols tự tin khẳng định rằng ông đã xác định được khu vực nhiều khả năng là địa điểm chôn cất Thành Cát Tư Hãn. Ông từ chối tiết lộ cụ thể và gọi đó là “vùng núi X”. Trả lời SCMP, ông cho biết: “Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng lăng mộ nằm bên trong đế quốc Mông Cổ ngày xưa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thời điểm đó đường biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ không hề tồn tại. Ông ta đã chinh phục toàn bộ vùng Trung Hoa”.

Theo SCMP, Alan Nichols đang chuẩn bị dẫn đầu đợt thám hiểm tiên phong thứ 10 của mình, mục tiêu lần này chính là Mông Cổ. Cùng với một đội gồm nhiều chuyên gia khảo cổ dày dạn kinh nghiệm và các thiết bị rà soát lòng đất hiện đại nhất, Nichols quyết tâm xác định cho bằng được lăng mộ. Luật sư 86 tuổi đam mê khảo cổ cho biết ông đã nghiên cứu và chuẩn bị cho chuyến “hành trình cuộc đời” suốt 10 năm qua. Nghiên cứu rất kỹ về vị Đại Hãn huyền thoại, Nichols nhận ra Thành Cát Tư Hãn là một bậc thầy của ngụy trang và đánh lừa kẻ địch. Theo nhà sử học Jack Weatherford, nhà lãnh đạo của đế quốc Mông Cổ nổi tiếng với binh sách giả đò thất trận, rút binh nhử địch, để rồi phản công ngay khi kẻ địch đang mệt mỏi, bất cẩn và phân tán nhất. Chính vì thế, Nichols luôn một mực tin rằng lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn không nằm tại vùng núi tỉnh Khentii, một vị trí mà ai cũng nghĩ đến đầu tiên.

“Ông ta là thiên tài trong nghệ thuật đánh lừa kẻ thù. Bạn nghĩ rằng ông ấy sẽ không dùng sự thiên tài đó để che giấu lăng mộ của mình ư?” - Nichols hóm hỉnh trả lời tờ SCMP. Người Mông Cổ xa xưa có niềm tin rằng không ai được phép quấy rầy thi thể của họ sau khi mất. Mỗi chiến binh đều được chôn cất cùng một lá cờ thiêng. Đó chính là nơi linh hồn của các chiến binh cư ngụ sau khi qua đời. Những chiến binh Mông Cổ không xem cái chết là sự kết thúc mà chỉ là sự chuyển đổi từ trạng thái xác thịt sang trạng thái tâm linh.

Alan Nichols đã có ba chuyến thám hiểm tiền trạm tại khu vực mà ông cho rằng có lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn. Ông cũng đã phát hiện được các điểm bất thường, các chỉ dấu cho thấy có khả năng một di tích rất linh thiêng hiện diện tại khu vực “vùng núi X”. Với cuộc khảo cổ tiên phong quy mô lần này, ông hy vọng sẽ tìm thấy những cổ vật như các cỗ chiến xa, xương ngựa chiến và các chiến binh Mông Cổ, những cổ vật hoàng gia để chứng minh giả thuyết của mình.

Tìm lăng mđể bảo vệ

Mặc dù rất nhiều chuyên gia khảo cổ trên thế giới hồi hộp mong chờ Nichols tìm ra lăng mộ truyền thuyết, những cộng sự của ông tại Mông Cổ lại không mong muốn ông thành công. Người Mông Cổ muốn thi thể của vị Đại Hãn vĩ đại không bị quấy rầy. Họ không muốn bất kỳ người Mông Cổ nào tìm ra ngôi mộ, huống chi là một người nước ngoài như Nichols.

“Tôi biết Thành Cát Tư Hãn không muốn được tìm thấy. Tôi vô cùng tôn trọng ước nguyện của ông ấy” - Nichols chia sẻ. Tuy nhiên, nhà thám hiểm khẳng định có quá nhiều câu hỏi quan trọng về Thành Cát Tư Hãn cũng như dân tộc Mông Cổ có thể được lý giải thông qua lăng mộ này. “Chúng ta có thể hiểu về tôn giáo, trang phục, chế độ ăn uống của ông ấy. Những binh sách và cả chủng tộc của ông ấy. Người Mông Cổ đến từ đâu. Lượng thông tin đó nhiều ngoài sức tưởng tượng” - Nichols chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà thám hiểm giàu kinh nghiệm của New York cũng chia sẻ rằng ông muốn là người đầu tiên tìm thấy lăng mộ để bảo vệ địa điểm linh thiêng này. “Bất kỳ ai khác muốn tìm ra lăng mộ này đều có động cơ để phá hoại. Bạn muốn người tìm ra lăng mộ là người đam mê danh vọng, hay một kẻ chỉ muốn tìm thấy vàng bạc kho báu trong lăng mộ. Hay bạn muốn người tìm thấy lăng mộ đó là một chuyên gia khảo cổ?” - Nichols chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm