. Phóng viên:Doanh nghiệp (DN) Mỹ cam kết gì về thương mại, chuyển giao công nghệ? Chính phủ hỗ trợ, làm thế nào để hai bên thực hiện các cam kết này?
+ Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Gần 100 DN Việt Nam đã tham gia chuyến đi Mỹ của Thủ tướng. Chuyến đi thành công tốt đẹp, trong đó có sự phối hợp giữa cộng đồng DN hai nước cả trước, trong, sau chuyến đi.
DN Việt Nam mong muốn có sự phối hợp với DN Hoa Kỳ, Chính phủ cũng quan tâm giải quyết mong muốn của DN Hoa kỳ đối với Việt Nam. Với con số 10 tỉ USD các hợp đồng đã ký kết đã nói lên nhiều điều nhưng cái chúng ta quan tâm là Việt Nam có thể tiếp nhận những công nghệ hiện đại, có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ những DN hàng đầu của Mỹ, có thể đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng VN có lợi thế như thủy sản, dệt may, da dày. Đương nhiên hợp tác hai bên cùng có lợi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Hiện nay DN Mỹ đầu tư tại Việt Nam với tổng 835 dự án, tổng vốn 10,2 tỉ USD, kim ngạch hai chiều là 51 tỉ USD, trong đó ta nhập 19 tỉ, xuất 32 tỉ. Có thể nói khi Thủ tướng trong hội đàm với Tổng thống Trump, Tổng thống đã nêu rõ: “VN đang xuất siêu sang Hoa Kỳ, là một trong 16 nước xuất siêu sang Hoa Kỳ”. Thủ tướng đã trả lời: “Việt Nam khẳng định không cạnh tranh với Hoa Kỳ, hai nước chỉ tạo ra lợi thế hỗ trợ nhau”. Ví dụ Hoa Kỳ có năng lực công nghệ, chế tạo tiến bộ, ta sang ký mua động cơ máy bay, điện gió. Còn Việt Nam xuất khẩu lợi thế của ta nông nghiệp chế biến, rau củ quả, cá, tôm vì đây là lợi thế của ta.
Bộ trưởng Thương mại của Hoa Kỳ cũng bàn vấn đề này. Ví dụ, ta nhập bột ngô Hoa Kỳ, tạo chuỗi sản phẩm chăn nuôi để xuất sang Hoa Kỳ. Mặc dù Mỹ tuyên bố rút TPP, ta cũng tuyên bố không ảnh hưởng gì tới thương mại hai bên vì chúng ta có các hiệp định thương mại với nhiều thị trường trên thế giới, cũng đảm bảo thương mại hoạt động thương mại của Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Khi Thủ tướng thăm cửa hàng của con gái Tổng thống Trump, thấy rằng thương hiệu hàng VN của ta như giày, hàng may mặc rất lợi thế. Để minh chứng cho việc đảm bảo lợi ích hai bên, Thủ tướng đã đưa ra ví dụ thuyết phục, sản xuất một đôi giày có giá trị 100 USD, VN chỉ hưởng lợi 22 USD, còn lại 78 USD là người Mỹ hưởng. Phía Hoa Kỳ rất hài lòng với dẫn chứng đó vì họ thấy lợi ích của họ được đảm bảo, đặc biệt Việt Nam đảm bảo ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh cho các DN Hoa Kỳ. Họ cũng đánh giá cao về năng lực, nguồn nhân lực Việt Nam…
. Vừa qua, Công an TP.HCM phá vụ án ma túy rất lớn, đường dây này sản xuất ma túy dựa vào các tiền chất, hóa chất có trên thị trường. Quản lý thế nào để không có những vụ việc tương tự xảy ra?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiết
+ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến: Tất cả các tiền chất rất cần thiết trong việc chữa bệnh, tuy nhiên người ta có thể lợi dụng các tiền chất này chế tạo ma túy. Việc này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà một số nước cũng vậy. Cái này Bộ cũng xem xét cấp hạn ngạch nhập nhưng vấn đề nằm ở chỗ quản lý. Hiện nay Bộ Công Thương, Bộ Công an cũng phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên, nếu không có chất này thì Bộ Y tế không chữa bệnh được. Đây không phải là lần đầu, có nhiều trường hợp khác rồi. Vì vậy cần quản lý chặt trên thị trường.
. Về phương án điều chỉnh giá điện, EVN báo cáo lên Bộ Công Thương chưa, quan điểm của Bộ về điều chỉnh giá điện…? Quan điểm của bộ về quỹ bình ổn giá xăng dầu?
+ Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Điện và xăng đầu là hai mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến tất cả người dân vì thế bất cứ sự thay đổi, nhất là tăng giá cần tính toán kỹ. Thủ tướng giao Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu, nếu vượt thẩm quyền phải trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện sự phát triển của ta còn nhiều khó khăn, đến giờ Chính phủ đã chỉ đạo trước mắt chưa tăng giá điện. Nếu có đề xuất của EVN cũng phải xem kỹ lưỡng, đánh giá tác động đến GDP, CPI. Đến giờ tôi khẳng định chưa xem xét.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Xăng dầu cũng vậy, cũng phải tuân thủ quy luật xăng dầu. Trước kia nói đến xăng dầu là nói đến Petrolimex nhưng giờ Việt Nam có đến 28 đầu mối được phép nhập khẩu xăng dầu, hiện ta đang điều hành giá xăng dầu theo NĐ 84, tức 15 ngày 1 lần xét giá xăng dầu theo tính toán các yếu tố thị trường.
Liên quan quỹ bình ổn xăng dầu: Đây không phải là tiền nhà nước hoặc DN, mà trích từ giá xăng dầu để tránh tăng giá đột ngột ở thị trường nước ngoài, tránh cú sốc cho người dân và DN. Vừa qua quỹ hoạt động tốt, nhất là dịp trước Tết nếu tăng theo thị trường nước ngoài thì ảnh hưởng, hoặc ở VN 1 mặt hàng tăng thì các mặt hàng khác tăng theo. Cá nhân tôi mong không còn quỹ này nữa nhưng hiện nay tác dụng của nó vẫn còn phù hợp, rất mong không còn…
. Các hãng taxi truyền thống “tố” tình trạng hiện Uber, Grab liên tục có chương trình phá giá thị trường, quan điểm của Chính phủ về quản lý giá đối với hai loại hình vận tải mới này?
+ Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Uber và Grab là một loại hình vận tải rất mới mà nhiều nước đang triển khai, ở Việt Nam hai loại hình này cũng đang phát triển rất mạnh. Đây là một loại hình rất tiên tiến, lợi dụng thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin điện tử trên smartphone, để tạo thuận lợi cho khách hàng và giảm giá thành. Cũng có thể nói đây là một trong những vấn đề thực hiện cuộc cách mạng 4.0 mà thế giới đang rất quan tâm, được người tiêu dùng ủng hộ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Chúng tôi cũng đã yêu cầu các hãng taxi Uber, Grab phải thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh vận tải của Việt Nam theo Nghị định 86 đã được ban hành. Vừa rồi chúng tôi cũng đã có cuộc hội thảo để bàn tính ưu việt của hai loại hình này và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể ứng dụng được các phần mềm điện tử hiện đại như vậy để có thể cạnh tranh lành mạnh. Hiện có khoảng gần 10 hãng taxi ở Việt Nam đã thiết lập được các phần mềm điện tử ứng dụng tương tự, cung cấp dịch vụ vận tải và thanh toán điện tử như vậy.
Dù vậy, chúng tôi cũng yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ về phần mềm ứng dụng công nghệ này chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp được phép kinh doanh vận tải, có phù hiệu cũng như các điều kiện ràng buộc khác. Vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu Thanh tra GTVT của các tỉnh/thành trên cả nước tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm như không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, không có phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh vận tải… và đã xử phạt nghiêm khắc.
Đối với Grab, họ thực hiện trên loại hình taxi của họ và có phù hiệu, logo rất cụ thể. Riêng Uber thực hiện theo hình thức trên xe hợp đồng, việc này chúng tôi cũng không cấm nhưng yêu cầu doanh nghiệp Uber phải đăng ký hoạt động, cung cấp phần mềm và nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải thì phải được các Sở GTVT của các tỉnh/thành cấp giấy phép kinh doanh. Đồng thời phải chịu quản lý bởi các điều kiện giống như quản lý vận tải với các doanh nghiệp taxi khác.
Có thể nói, về quản lý nhà nước, hiện Bộ GTVT đã triển khai rất nhiều giải pháp. Gần đây nhất, Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86 về quản lý các dịch vụ vận tải, Bộ GTVT đã đề xuất đưa loại hình như Uber, Grab này vào đối tượng quản lý trong Nghị định. Sau khi có Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi tin rằng quản lý các loại hình taxi này sẽ đảm bảo được sự công bằng hơn.