Việt phủ Thành Chương được tôn vinh quốc tế

Trang Du lịch của The NewYork Times đã đăng bài viết “Lịch sử dân gian VN được thể hiện qua các kiến trúc” (Vietnam’s folk history reflected in building) của nhà báo Mike Ives, hôm 20/6/2012.

Cuối tháng 5 vừa qua, một nữ phiên dịch liên hệ với HS Thành Chương về việc nhà báo Mike Ives muốn đến thăm Việt Phủ và gặp gỡ ông. Hoạ sĩ (HS) vui vẻ nhận lời và đón tiếp nhà báo bằng sự hiếu khách bật thiệp HS Thành Chương và vợ ông, bà Ngô Hương – Giám đốc Công ty Việt Phủ Thành Chương, rất thông thạo tiếng Anh, họ đã tiếp nhiều đoàn khách đặc biệt, trong đó có nhiều nguyên thủ và nhân vật tầm cỡ quốc tế. Độ tuổi 40, Mike Ives là phóng viên thường trú của báo International Herald Tribune tại Việt Nam. Đã biết tiếng về công trình đặc sắc này, nhưng cuộc gặp gỡ làm việc tại Việt Phủ là lần đầu ông đến đây.

Trong 3 tiếng thăm quan, ông đã quan sát, ghi chép, lắng nghe, thu nhận và lưu giữ những cảm xúc ấn tượng tốt đẹp về Việt Phủ. Ông biết HS Thành Chương là một HS rất nổi tiếng của nền mỹ thuật VN hiện đại và cho rằng Việt Phủ chính là tác phẩm lớn của một đời sáng tạo. Đây là cuộc kết tụ hoà điệu kỳ vĩ của văn minh sông Hồng qua kiến trúc, điêu khắc qua lối sắp đặt thiết kế đầy am hiểu của tổng công trình sư Nguyễn Thành Chương - người thiết tha lưu giữ tinh hoa văn hoá Việt.

Khởi công từ 2001 và hoàn thành sau 3 năm xây dựng, công trình mọc lên trên quả đồi trơ cằn đất đỏ ở dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thấm bao mồ hôi nước mắt cật lực của chủ nhân và 200 thơ lao động. Ngay từ lúc đang xây, nó đã nhận được sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ, nhà báo, bạn bè của chủ nhân và hàng nghìn người đã chiêm ngưỡng miễn phí tới 2009, khi công trình Việt phủ bán vé, đi vào phục vụ quy mô, chuyên nghiệp nhằm quản lý, bảo tồn tốt nhất và lâu bền. Tên Việt Phủ Thành Chương do chính người cha – nhà văn Kim Lân đặt (tiếng Anh là Thanh Chuong’s Viet Palace).

Đây là đoạn viết hay nhất của bài báo: “Lâu đài Việt mang tên Thành Chương là quần thể những kiến trúc nhà mang dáng dấp của lịch sử, không hẳn như cái tên gọi đầy chất cung đình ấy. Hơn cả, nó là điểm đến văn hoá có tính tương tác và tôn vinh di sản văn hoá dân gian Việt Nam. Quần thể rợp cõy xanh mà trong tiếng Việt gọi là Việt Phủ Thành Chương lại là một sự giới thiệu đầy hấp dẫn và khác lạ về văn hoá và kiến trúc Việt truyền thống, một cái gì đó giống như “The Cloisters” ở New York, sự sắp đặt của nhân tố kiến trúc châu Âu thời trung cổ trong bảo tàng nghệ thuật Metropolitan.

 ... Vào một buổi chiều xuân gần đây, khi đoàn khách đang thưởng ngoạn bên hồ từ vọng lâu mái ngói treo biển gỗ màu đen in 4 chữ Hán “Toạ hưởng xuân phong”, thì những cánh trúc đào rơi. Âm thanh náo nhiệt nhất nơi này là tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu và đôi khi âm thành máy bay bay qua đầu. Chúng tôi không có Vạn Lý Trường Thành như Trung Quốc hay những cung điện lộng lẫy như ở châu Âu. Không gian sống của người Việt là nơi mà con người cảm nhận được trời đất, chim nuông, cây cối giao hoà - HS Thành Chương nói”.

Sau hôm đến thăm Việt Phủ Mike Ives tới gặp KTS Hoàng Đạo Kính, trong khi nam phóng viên Justin Mott của International Herald Tribune tới chụp Việt Phủ. GS, TS Hoàng Đạo Kính đã từng có bài viết về Việt Phủ, trong đó ông gọi HS Thành Chương là “Người khổng lồ”. Biết tin Việt Phủ Thành Chương được giới thiệu trên thời báo danh tiếng này, ông Kính đã chúc mừng: “Cuộc đời Thành Chương có 2 thành công lớn: hàng ngàn tác phẩm hội hoạ và tác phẩm Việt Phủ này”.

Theo Thể thao văn hoá

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới