Viết tiếp bài “chết để con được học”: Lẽ ra người mẹ ấy không chết

Như chúng tôi đã thông tin, chiều 24-4, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau đã chọn cái chết như một việc làm kiếm tiền cuối cùng để giúp chồng bớt khổ, các con được tiếp tục đi học.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài viết “Chết để con được học” (ngày 27-4), bạn đọc khắp nơi đã lên tiếng chia sẻ với gia đình chị Nhân. Cũng có nhiều ý kiến chỉ trích trách nhiệm chính quyền địa phương và hành động dại dột, tiêu cực của chị. 

Thực sự trước khi chọn cái chết, chị Nhân đã nỗ lực bằng tất cả tâm sức của mình để duy trì cuộc sống gia đình, việc học của các con. 

Trong tay không ruộng đất, không vốn liếng, vợ chồng chị đầu tắt mặt tối làm thuê. Năm 2011, khi nghe có chính sách hỗ trợ sinh viên học các ngành liên quan hóa chất độc hại, chị thúc con trai Đinh Công Bằng, khi ấy mới vào cao đẳng năm đầu tìm hiểu và làm hồ sơ rồi chị đến các cơ quan chức năng để chứng nhận và gửi hồ sơ này. Trước đó, năm 2010, khi Bằng sắp hết cấp 3, chị đã đi tìm hiểu về chính sách cho sinh viên vay tiền học tập. Khi ngân hàng chính sách đòi hỏi phải có sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo mới được vay, chị ra ấp, lên xã xin được cấp sổ hộ nghèo, cận nghèo. 

Anh Bảo, chồng chị, kể lại: “Túng quá tôi chỉ biết đem chó, đem gà, vịt chưa đủ lớn đi bán. Còn vợ tôi biết đi chơi hụi, xin vay ở hội phụ nữ ấp, hội cựu chiến binh… Vợ tôi đã cố gắng hết sức mình rồi”. 

Viết tiếp bài “chết để con được học”: Lẽ ra người mẹ ấy không chết ảnh 1

Anh Bảo kể rằng trước khi chết,  nhiều lần chị Nhân ôm anh và nói: “Em thương anh nhiều lắm, tha lỗi cho em phải bỏ anh”.

Bà Nguyễn Thị Nhu, Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp 5, xã An Xuyên, kể: “Ngày 18-11-2012, khi họp dân ấp nhân ngày Đại đoàn kết và xét chọn hộ nghèo, cận nghèo, Mỹ Nhân có đến dự, nó nói: “Hoàn cảnh tôi quá khó khăn, xin được cấp sổ hộ nghèo để vay tiền cho các con ăn học”. Khi đó, trưởng ấp ghi nhận nhưng chỉ hứa là sẽ xem xét sau, vì đã qua đợt xét hộ nghèo. Hiểu hoàn cảnh của nó, tôi đã từng cho nó mượn 1 triệu đồng để đóng học phí cho con. Sau đó tôi còn cho nó vay 1,6 triệu đồng tiền quỹ cựu chiến binh, vì chồng nó là cựu chiến binh”. 

Anh Từ Văn Nguyễn, Trưởng Công an ấp 5, cho biết thêm: “Cách đây một tháng, chị Nhân đi kêu bà C. để bán nhà và đất đang ở. Bà C. trả lời là để bàn lại với người thân chứ đất đai đâu phải nói mua là mua liền. Chị Nhân năn nỉ bán trả chậm, 2 triệu đồng một tháng cũng được để có tiền đóng học phí cho các con và nói nếu không bán được chắc chết.

Chị cũng đã từng đi hỏi vay tiền nóng, chấp nhận mức lãi suất 30%/tháng nhưng thấy hoàn cảnh của chị giới cho vay nặng lãi cũng không dám cho vay. 

Chị Phạm Thị Hồng Hà ở ấp 2, xã An Xuyên kể thêm: Cách đây nửa tháng, Mỹ Nhân đến nhà chơi, tôi mời ăn cơm. Đang ăn tôi thấy nước mắt Mỹ Nhân rớt vô chén cơm. Tôi hỏi, nó bảo là cùng đường rồi, chắc chết. Tôi khuyên nó hết lời, tưởng đã ổn, ai dè…

Viết tiếp bài “chết để con được học”: Lẽ ra người mẹ ấy không chết ảnh 2

Đinh Công Bằng xót xa nhớ lại người mẹ chưa có một ngày sung sướng của mình.

Danh sách ủng hộ gia đình chị Nhân

Trong hai ngày qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được 47.200.000 đồng từ quý bạn đọc hảo tâm chia sẻ với khó khăn của gia đình chị Nhân. Gồm:

Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi: 30 triệu đồng; cô Nguyễn Phương Trang (Nhà Bè): 1 triệu đồng; một nhà báo nữ xin giấu tên: 1 triệu đồng, đồng thời tài trợ toàn bộ sách vở, quần áo cho một trong số ba người con của chị Nhân học hết THPT; Facebooker Mẹ Bống: 2 triệu đồng; Facebooker PhoebeThai: 1 triệu đồng; luật sư Đoàn Thị Ngọc Linh: 2 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bình Thạnh): 2 triệu đồng; anh Nguyễn Ngọc Hiến (quận Tân Phú, TP.HCM): 500.000 đồng; em Phan Lê Bảo Trâm (học sinh lớp 10D8 Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM): 500.000 đồng; chị Nguyễn Thị Minh Truyền (Tân Bình) : 200.000 đồng; em Nguyễn Trường Gia Minh (lớp 10D5 Trường Lê Quý Đôn, TP.HCM): 3 triệu đồng; một phóng viên báo Tuổi Trẻ: 1 triệu đồng; thân hữu của chị Thủy Cúc báo Tuổi Trẻ: 1 triệu đồng; Văn phòng Luật sư Người nghèo: 1 triệu đồng.

Ngoài ra, nhà thơ Hoàng Hạc (235/50/7/16 đường Trục 30, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM) hứa từ tháng 4-2013 sẽ hỗ trợ cho gia đình chị Nhân mỗi tháng 1 triệu đồng.

Mọi giúp đỡ, ủng hộ gia đình chị Nhân xin gửi về: Ban Công tác bạn đọc, báo Pháp Luật TP.HCM, cao ốc 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Hoặc chuyển khoản:

Tài khoản: 1607201005173 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Phan Đình Phùng, TP.HCM. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM.

Nội dung chuyển khoản xin ghi rõ: Giúp gia đình chị Nhân, nhân vật trong bài Chết để con được học.

Ông Trần Đại Đoàn, Bí thư xã An Xuyên, xác nhận thêm rằng trước khi chị qua đời ba ngày, chị có đến gặp ông để xin sổ hộ nghèo. Ông Đoàn ghi nhận và hứa sẽ xem xét.

Những lời hứa “sẽ xem xét” được cán bộ nói đi nói lại nhưng rồi cứ biệt tăm. 

Trao đổi với PV, ông Trần Đại Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên, nhìn nhận: “Chúng tôi nhìn nhận có sự quan tâm thiếu sâu sát với hoàn cảnh khó khăn của chị Nhân. Chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm của mình trước cái chết của chị Nhân”. 

Chính quyền địa phương xác nhận chị Nhân đã báo trước cái chết từ một tháng trước, với những lý do đúng như trong thư tuyệt mệnh chị để lại. Thời điểm này, áp lực đóng học phí 4 triệu đồng cho con trai Đinh Công Bằng đè nặng lên cơ thể yếu, gầy, bệnh hoạn của chị, trong khi đúng vào lúc chị vừa mất việc giúp việc nhà, căn bệnh lại nặng thêm. Chị đi chích thuốc ở xã gần 10 ngày, mỗi ngày tốn 50.000 đồng nhưng bệnh tình vẫn không giảm. Anh Bảo kêu chị phải đi ra bác sĩ Út ở TP Cà Mau chích. Nhưng chích ở đây hai ngày, chị quyết định không chích nữa, vì mỗi ngày 140.000 đồng, quá tốn kém. Ngưng chích một ngày, chị thắt cổ chết. Hôm đó chị mượn một cây viết của đứa học trò gần nhà, nói là để viết thư gửi cho chương trình Khát vọng sống (một chương trình từ thiện có tiếng ở Cà Mau) nhưng hóa ra là chị viết tuyệt mệnh thư.

Chính quyền nói gì?

Ông VÕ VĂN NHU, Bí thư Chi bộ ấp 5, xã An Xuyên:

Chúng tôi có khuyết điểm là chưa gần dân

Lúc chị Nhân nói tại cuộc họp dân về hoàn cảnh gia đình khó khăn, đề nghị cấp sổ hộ nghèo thì gia cảnh chưa khó khăn như bây giờ. Lúc đó, trong ấp chỉ xét cấp cho năm hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, toàn những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn chị Nhân. Chúng tôi ghi nhận và có báo về xã nhưng sau đó không nghe xã chỉ đạo gì thêm. 

Viết tiếp bài “chết để con được học”: Lẽ ra người mẹ ấy không chết ảnh 3

Chính quyền ấp 5, xã An Xuyên ngồi lại kiểm điểm về cái chết của chị Nhân.

Tuy nhiên, sau cái chết của chị, chúng tôi hoàn toàn thấy được khuyết điểm của mình là chưa thực sự nắm bắt sâu, sát đời sống của người dân. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm để không bao giờ xảy ra trường hợp tương tự”.

Ông NGUYỄN TIẾN HẢI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Bài học đau xót

Tôi rất đau xót trước cái chết của chị Nhân. Giận chính quyền sở tại để xảy ra chuyện đau lòng này. Chúng tôi đã chỉ đạo TP Cà Mau khẩn trương rà soát, kiểm tra trách nhiệm chính quyền địa phương ấp 5 và xã An Xuyên và cả phía lãnh đạo Ngân hàng Chính sách của TP Cà Mau.

Tôi cũng đề nghị báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục thông tin sâu, đầy đủ, nhiều chiều câu chuyện này. Theo tôi, đây là một bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc về tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân ở cấp chính quyền cơ sở.

Ông HỒ TRUNG VIỆT, Chủ tịch UBND TP Cà Mau:

Chính quyền có lỗi

Tôi mới về nhậm chức đúng một ngày thì xảy ra câu chuyện chị Nhân. Trước mắt, tôi đã chỉ đạo Hội Khuyến học TP Cà Mau đến hỗ trợ ngay 3 triệu đồng cho anh Bảo và tìm hiểu cặn kẽ gia cảnh của anh. Tôi xem đây là một bài học cho chính quyền địa phương về việc quan tâm sâu sát đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân. 

Trước mắt, chính quyền địa phương đã có lỗi khi không quan tâm sâu sát đến đời sống, những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của chị Nhân”. Về quy trình xét hộ nghèo, chúng tôi đang rà soát, chưa có kết luận đúng hay sai”.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm