Năm 2018, Hãng hàng không thế hệ mới VietJet tiếp tục một năm hoạt động tăng trưởng cao và bền vững. Tổng lượng khách vận chuyển của VietJet đạt hơn 23 triệu lượt, dẫn đầu thị trường nội địa, số đường bay quốc tế tăng lên 66 đường chiếm gần 2/3 tổng số đường bay của hãng.
Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (mã VJC) công bố báo cáo kiểm toán năm 2018 với kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đề ra.
Tăng trường cao, bền vững
Năm 2018 tiếp tục là năm hoạt động tăng trưởng cao và bền vững của hãng hàng không thế hệ mới VietJet. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 đã kiểm toán với doanh thu đạt 53.577 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.816 tỷ đồng.
Tại thời điểm niêm yết vào đầu năm 2017, VietJet đặt kế hoạch tăng trưởng cho 3 năm 2017-2018-2019, với mục tiêu tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 đạt 7.801 tỷ đồng. Kết quả vượt hơn mong đợi khi chỉ trong 2 năm VietJet đã đạt 10.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) lên tới 9.850 đồng.
Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 43,3%. Tỷ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức hấp dẫn 11,4.
VietJet cũng duy trì tỷ lệ cổ tức 50% mỗi năm, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu như cam kết khi niêm yết. Năm 2018, với kết quả kinh doanh khả quan, công ty dự kiến chia cổ tức tới 55%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá dầu tăng tới 30%, doanh thu vận tải hàng không đạt tới 33.779 tỷ đồng và lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế đạt 3.045 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 49,8% và 48,9% so với năm trước, minh chứng khả năng tăng trưởng doanh thu và quản lý chi phí tốt của công ty. Có thể thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ năm 2018 của VietJet đến từ hoạt động cốt lõi là dịch vụ vận tải hàng không.
Doanh thu phụ trợ, mảng có biên lợi nhuận cao, đạt 8.410 tỷ tăng trưởng tới 53,5% so với năm trước. Cơ cấu mảng này trong tổng doanh thu cũng chuyển dịch từ 24,5% năm 2017 lên 25,4% năm 2018. Bên cạnh đó là những chỉ số tài chính rất tích cực.
Tính tới 31-12-2018, tổng tài sản hợp nhất đạt 39.086 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm ngoái; vốn chủ sở hữu đạt 14,038 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm trước.
Số dư tiền mặt của công ty tính tới 31-12-2018 lên tới 7.165 tỷ đồng.
Chỉ số Nợ/ Vốn chủ sở hữu giảm tương ứng 1,78 lần năm 2018, so với 1,99 lần năm 2017. Tương tự, chỉ số Nợ vay/Vốn chủ sở hữu ở mức rất tốt, giảm mạnh từ 0,71 lần năm 2017 xuống chỉ còn 0,39 lần năm 2018.
VietJet dẫn đầu thị trường nội địa về lượng khách vận chuyển và phát triển mạnh mẽ mạng bay quốc tế, thực hiện 118.923 chuyến bay với 105 đường bay bao gồm 66 đường bay quốc tế, phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc… Tàu bay VietJet cũng khai thác tại khu vực các sân bay Dubai, Doha. Chiến lược phát triển mạng bay quốc tế của VietJet được đẩy mạnh nhằm tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua doanh thu nội địa và đạt tới 48% trên tổng doanh thu vận tải hàng không.
Hệ số sử dụng ghế cả năm đạt trên 88,06%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, tỷ lệ đúng giờ (OTP) đạt 84,2%.
Năm 2018, VietJet bắt đầu nhận và khai thác tàu bay thế hệ mới A321neo có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tới 16%, góp phần giúp Vietjet tiết giảm chi phí vận hành trong những năm tới. Đội tàu bay của VietJet tính tới 31-12-2018 có tuổi trung bình chỉ 2,82 năm là đội tàu mới nhất trên thế giới, tiết kiệm nhiên liệu và hiệu suất hoạt động cao.
An toàn hàng không quốc tế
VietJet cũng bảo vệ thành công chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA” lần thứ 3 vào tháng 9-2018. Các chỉ số tin cậy kỹ thuật, an toàn khai thác của VietJet thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương, được tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá chỉ số an toàn đạt 7 sao - mức cao nhất của các hãng hàng không trên toàn cầu.
Đầu tư cho sự phát triển bền vững của hãng hàng không, năm 2018, Học viện Hàng không của VietJet hoàn thành trung tâm huấn luyện phi công do Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu - EASA phê chuẩn, bao gồm buồng lái mô phỏng (SIM) hợp tác với Airbus, đạt tiêu chuẩn châu Âu – bộ tiêu chuẩn hàng không hàng đầu thế giới. Đầu tháng 11-2018, nhân dịp Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam, VietJet đã khai trương hoạt động Học viện Hàng không.
Tới cuối năm, buồng lái mô phỏng đã dược khai thác huấn luyện gần 1000 giờ. Học viện đã tổ chức đào tạo 924 khóa cho 21,611 lượt học viên, trong đó có 157 khoá đào tạo phi công, 127 khoá đào tạo tiếp viên, 128 khoá đào tạo khoá đào tạo kỹ sư.
Bên cạnh đó, VietJet đạt nhiều giải thưởng uy tín trong năm 2018, như huân chương Lao động, top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam và top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 của tạp chí Forbes, Top 50 hãng hàng không hàng đầu thế giới về các chỉ số tài chính của AirFinance Journal, Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, Top 100 nơi làm việc tốt nhất , Giải thưởng Đồng phục Tiếp viên đẹp nhất châu Á…
Sự phát triển liên tục của VietJet trong những năm qua và kết quả vượt hơn kế hoạch trong năm 2018 khẳng định chiến lược đúng đắn của công ty để tiếp tục đà tăng trưởng, mạng lại những giá trị, hiệu quả cho nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện sứ mệnh mang cơ hội bay tới tất cả mọi người và trở thành một hãng hàng không tầm vóc khu vực và thế giới.