Liên quan đến con số lỗ lũy kế lên đến trên 20.000 tỉ đồng của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mà báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây vừa nêu, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 24-11, ông Trần Xuân Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines, cho biết: Phần lớn khoản lỗ lũy kế qua các năm của Vinalines được chuyển qua từ các doanh nghiệp (DN) của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin). Theo đó, các khoản lỗ này lên đến khoảng 13.000-14.000 tỉ đồng.
Sẽ phá sản hai công ty từ Vinashin chuyển qua
Trước tình hình này, ông Nguyễn Đình Tú, Phó ban Truyền thông Vinalines, cho hay Vinalines đang làm thủ tục chuẩn bị cho phá sản ba doanh nghiệp trực thuộc gồm: Tổng Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương (Vinashinlines), Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon), Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau. Trong đó, Vinashinlines và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau là những đơn vị tiếp nhận từ Vinashin. “Đây là những DN kinh doanh kém hiệu quả, tình hình tài chính và kinh doanh bê bết lắm rồi. Vinalines đã đổ tiền vào để khắc phục khó khăn nhưng không thể cứu nổi. Vì vậy buộc Vinalines phải cho vào danh sách phá sản” - ông Tú chia sẻ.
Theo ông Tú, nếu ba DN phá sản năm 2015, Vinalines sẽ giảm lỗ thêm một khoản rất lớn.
Vinalines cho biết sẽ phá sản ba công ty con, chuyển từ Vinashin qua để giảm lỗ, trong đó có Tổng Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương (Vinashinlines). Ảnh: INTERNET
Lý giải thêm về nguyên nhân dẫn đến khoản nợ khổng lồ trên, ông Hải chia sẻ: “Tình hình thị trường biển thế giới khó khăn, hoạt động kinh doanh vận tải biển giảm sút. Vì thế dù số lỗ đã giảm hơn 80% so với trước nhưng khoản lỗ lũy kế vẫn còn cao”. Trong khi đó ông Tú cho biết thêm tùy vào từng ngành hoạt động, có những lĩnh vực lỗ, cũng có những lĩnh vực lãi nhưng thừa nhận các dự án đầu tư của Vinalines chưa đem lại hiệu quả.
Theo ông Tú, quá trình tái cơ cấu diễn ra từ lâu nhưng vẫn bế tắc bởi Vinalines là DNNN nhưng hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước như các đơn vị khác. Các công ty thành viên phải cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị tàu biển nước ngoài. “Chi phí đầu tư vào vận tải biển rất lớn, rủi ro cao” - ông Tú nói.
Nói về trách nhiệm khi để xảy ra thua lỗ, ông Tú cho rằng người đứng đầu các DN này phải chịu trách nhiệm để kinh doanh thua lỗ. Nếu nguyên nhân do khách quan và rủi ro kinh doanh có thể không bị xử lý nhưng nếu do sai phạm chủ quan có thể bị cách chức, kỷ luật…
Nếu tiếp tục lỗ phải đưa vào diện giám sát đặc biệt
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng hoạt động của DNNN được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm. Đây là những trụ cột của nền kinh tế. Qua thực tế chỉ một số DN làm ăn có lãi như dầu khí, than nhưng nhìn chung các DNNN khác rất khó khăn, trong đó có Vinalines. Vinalines là tập đoàn làm ăn thua lỗ và được đưa vào diện tái cơ cấu, đã thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao nhiều lần. “Nếu đơn vị này tiếp tục lỗ sẽ lấy đâu ra tiền để bù đắp thất thoát. Chính phủ cần rà soát lại hoạt động kinh doanh của Vinalines, có gì chưa hợp lý không, xem lại cơ cấu tổ chức, nếu tiếp tục lỗ thì cần đưa vào diện giám sát đặc biệt” - bà An nêu quan điểm.
Theo bà An, Vinalines tiếp nhận ba DN của Vinashin, nghĩa là ôm khoản lỗ từ Vinashin để lại nhưng mấy năm qua họ vẫn loay hoay với khoản lỗ này, chẳng khác nào chuyển lỗ từ anh này qua anh khác. Vì vậy Bộ GTVT cần làm rõ trách nhiệm bằng cách tách bạch khoản lỗ này, trong đó khoản lỗ nào nằm trong giai đoạn trước khi tiếp nhận và khoản nào sau khi tiếp nhận. “Nếu chúng ta cứ cho các DN làm ăn thua lỗ phá sản mà không phân định rõ trách nhiệm lãnh đạo từng giai đoạn thì coi như nguồn tiền trôi đi theo biển; số lỗ vẫn tồn tại vĩnh cửu, lỗ chồng lỗ và thất thoát tiền của dân” - bà An đưa ra đề xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh trong quá trình tái cơ cấu của Vinalines sẽ chấp nhận lỗ ở một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, nếu khoản lỗ nào nằm ngoài giai đoạn đó, cần phải được xem xét, truy trách nhiệm rõ ràng.
Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp 10 về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo cáo này cho hay trong năm 2014 có 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lỗ lũy kế là 24.451 tỉ đồng, trong đó Vinalines lỗ 20.687 tỉ đồng; riêng công ty mẹ Vinalines có mức lỗ lũy kế là 388 tỉ đồng. Chưa kể trong năm 2014, Vinalines lỗ phát sinh hơn 3.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đình Tú, Phó ban Truyền thông Vinalines, cho biết: Sáu tháng đầu năm 2015, công ty mẹ Vinalines lãi 492 tỉ đồng nhưng tài chính hợp nhất toàn công ty lại lỗ 332 tỉ đồng. Dự kiến năm 2015, công ty mẹ sẽ lãi 197 tỉ đồng và hợp nhất phấn đấu không để lỗ phát sinh. |