Vinashin và những việc cần làm ngay

Nếu được như vậy, việc thanh tra sẽ “liền mạch” với những dư luận nhiều năm qua về tình hình làm ăn bê bối của Vinashin và nhất là sẽ nhịp nhàng hơn với kết quả giám sát của Quốc hội về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (được công bố vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009).

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vào cuộc lúc này xem ra lại thuận tiện hơn. Năm ngoái, lý do trì hoãn được nêu là Vinashin còn đang bận vật lộn với các hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Còn năm nay quyết định thanh tra được ban hành cùng lúc với việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình có nhiều sai phạm, dẫn tới nguy cơ phá sản, buộc Chính phủ phải giải cứu…

Nhưng có lẽ chỉ thanh tra thôi chưa đủ. Cơ quan kiểm tra của trung ương Đảng đã chỉ ra rằng ông Phạm Thanh Bình “thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội”. Ông Bình bị kết luận đã “bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trái quy định của Đảng và nhà nước”.

Những vi phạm được nêu ra ấy chiếu theo Luật Phòng, chống tham nhũng, thì đã có dấu hiệu tham nhũng.

Họp sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng hôm 8-7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận công tác phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán chưa tốt. “Cơ quan pháp luật mà phát hiện sai phạm của cán bộ thuộc diện trung ương quản lý thì chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra. Ngược lại, qua công tác kiểm tra mà phát hiện những việc liên quan đến chức trách nhà nước thì Ủy ban Kiểm tra cũng phải phối hợp với các cơ quan chức năng” - bà nói.

Rút kinh nghiệm tại một hội nghị sơ kết như thế là cần. Nhưng xem ra việc cần làm ngay là Ủy ban Kiểm tra Trung ương chuyển luôn hồ sơ cho cơ quan điều tra, để làm rõ những dấu hiệu tham nhũng của "thuyền trưởng" Vinashin.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm