Trước tiên, tôi khẳng định là không có quy định nào cấm doanh nghiệp (DN), cá nhân dán khẩu hiệu, biểu ngữ trên xe, cầm biểu ngữ giăng tại một nơi nào đó.
Đơn cử trước đây chúng ta có thấy các DN kinh doanh gas giăng biểu ngữ ở Bộ Công Thương để yêu cầu sửa điều kiện kinh doanh gas. Hoặc chúng ta thường thấy nhất là các DN thu hồi nợ giăng biểu ngữ trên xe với nội dung cá nhân A, DN B nợ ai số tiền X gì đó.
Bêu xấu doanh nghiệp khác
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là nội dung khẩu hiệu, biểu ngữ và hậu quả mà nó gây ra. Ví dụ, xe giăng biểu ngữ quá lớn, choán diện tích xe, có thể vi phạm về quy định quảng cáo trên phương tiện giao thông. Xe giăng biểu ngữ đòi nợ muốn bêu xấu con nơ nên dừng xe để thu hút người dân chú ý có thể vi phạm về an ninh trật tự… Nội dung biểu ngữ xúc phạm danh dự, nhân phẩm con nợ… lại vi phạm theo kiểu khác nữa.
Ví dụ, với câu “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” thì người đọc có thể không hình dung ra “điều kiện kinh doanh” là gì, bất công là như thế nào.
Tuy nhiên, với câu “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” thì có thể vi phạm Luật Cạnh tranh. Bởi nghe qua thì là một câu khẩu hiệu chung chung, kiểu như “sống, làm việc theo pháp luật”, “nộp thuế là quyền và nghĩa vụ”… nhưng ấn tượng mang lại cho người đọc lại là ấn tượng “nói xấu”.
Khi đọc câu trên, người ta có thể có cảm giác Uber, Grab đang vi phạm pháp luật cho nên mới phải yêu cầu tuân thủ pháp luật. Như vậy, nội dung khẩu hiệu, biểu ngữ trên mang tính gièm pha, bêu xấu DN khác.
Nhiều taxi của Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber. Ảnh: HỒNG TRÂM
Luật đã lường trước tình huống
Luật Cạnh tranh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó cấm hành vi gièm pha DN khác.
Điều 43 quy định: “Cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó”.
Nếu Uber, Grab làm khảo sát ấn tượng của người tiêu dùng đối với khẩu hiệu, biểu ngữ nói trên và kết quả cho thấy thông qua nội dung này, người tiêu dùng nghĩ rằng Uber, Grab vi phạm pháp luật, là có ảnh hưởng uy tín của Uber, Grab thì có thể kết luận người dán khẩu hiệu, biểu ngữ đã vi phạm Luật Cạnh tranh.
Còn với các biểu ngữ khác như “50.000 xe thí điểm của Uber, Grab doanh thu 18.000 tỉ đồng nhưng chỉ nộp ngân sách 15,8 tỉ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”. “Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”… thì người dán biểu ngữ rất khó chứng minh tính chính xác, trung thực của nội dung.
Hãng taxi Sao Hà Nội cũng dán khẩu hiệu để phản ứng Uber, Grab. Ảnh: VIẾT LONG
Anh nói “gây ùn tắc giao thông” thì anh phải chứng minh việc cấp phù hiệu xe thí điểm có gây và đã gây ùn tắc như thế nào. Nếu không chứng minh được xe thí điểm là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông tức là anh đã đưa thông tin không trung thực. Tuy không hài rõ tên Uber, Grab nhưng biểu ngữ này gián tiếp đề cập đến xe thí điểm, có thể hiểu là xe Uber, Grab.
Về góc độ cạnh tranh, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có kiểu dán khẩu hiệu, giăng biểu ngữ nói về đối thủ một cách trực diện, quy mô như thế này. Và điều đáng tiếc là sự vụ lần này không “đẹp”.
Các anh taxi truyền thống vốn đã bị người tiêu dùng chê bai. Người tiêu dùng rất hào hứng đón nhận Uber, Grab và giờ là ưa chuộng loại xe công nghệ hiện đại này. Các hãng taxi truyền thống thay vì tập trung cải tiến chất lượng dịch vụ thì lại đi “lu loa”, bêu xấu đối thủ. Việc giăng biểu ngữ sau xe không những không giúp gì cho các hãng taxi truyền thống mà còn phản ứng ngược. Cư xử không “đẹp”, taxi truyền thống càng bị người tiêu dùng xa lánh mà thôi.
Sau Hà Nội, đến lượt taxi ở TP.HCM dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab Ngày cuối tuần 8-10, người dân tại TP.HCM bất ngờ khi thấy nhiều xe taxi Vinasun dán khẩu hiệu phía sau xe phản đối đề án thí điểm gọi xe bằng hợp đồng điện tử của Bộ GTVT. Các khẩu hiệu là những dòng chữ vàng in trên nền đỏ nổi bật dán sau xe có nội dung: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”… Tại một số giao lộ, rất nhiều người dân hiếu kỳ đã chăm chú đọc các nội dung dán sau xe taxi gây ùn tắc giao thông. Theo lời một số tài xế taxi thì họ được cấp trên chỉ đạo dán các phản đối nói trên lên xe. Tuy nhiên, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho biết việc tài xế dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab sau xe là hành động tự phát, không có chủ trương từ phía DN. Nói về nội dung của các khẩu hiệu phản đối, ông Hỷ cho rằng: “Không đến nỗi gì quá đáng. Có thể anh em bức xúc quá mới làm vậy. Chúng tôi đang cho rà soát tất cả taxi đang hoạt động”. Còn tại Hà Nội, hơn hai tuần qua các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Sao Hà Nội, Hoàn Kiếm cũng đã dán khẩu hiệu phía sau đuôi xe nhằm phản đối Grab, Uber. Cụ thể, taxi Sao Thủ đô có khẩu hiệu: “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia”, taxi Sao Hà Nội và Vinasun: “50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”. Một DN taxi truyền thống ở Hà Nội cho rằng các hãng taxi đã nhiều lần kiến nghị những bất cập của loại hình Uber, Grab lên Chính phủ cũng như Bộ GTVT nhưng không được giải quyết thỏa đáng. “Việc dán khẩu hiệu tôi cho rằng không vi phạm pháp luật và đây là cách biểu thị ý kiến, đồng thời chuyển tải đến dư luận xã hội những câu hỏi mà các cơ quan nhà nước chưa trả lời thỏa đáng...” - một DN taxi cho hay. Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã phản đối Vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản gửi đến các cơ quan Đảng và Nhà nước yêu cầu dừng khẩn cấp loại hình Uber, Grab. Hiệp hội taxi lập luận: Nếu tính tổng số xe tham gia thí điểm hiện nay là 50.000 xe, doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/tháng (theo các công bố của Uber, Grab VN), như vậy tổng doanh thu một tháng là 1.500 tỉ đồng. Nếu tính tỉ lệ thuế phải nộp 4,5% (gồm 3% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) thì tổng số thuế phải nộp ngân sách là 67,5 tỉ đồng/tháng (810 tỉ đồng/năm). Ngoài ra, với số 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỉ đồng, có nghĩa là mỗi ngày Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỉ đồng. Trả lời về cáo buộc trên của Hiệp hội Taxi Hà Nội, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam, khẳng định thông tin Grab, Uber đã chuyển khoảng 3.600 tỉ đồng ra nước ngoài mỗi năm là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ... VIẾT LONG Nên xử lý bằng cách khác Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số tài xế không đồng tình với việc dán khẩu hiệu như vậy. Anh Nguyễn Thanh Nam (ngụ quận 3) cho biết: “Tôi cảm thấy việc dán khẩu hiệu sau xe trông rất kỳ cục. Tôi muốn lãnh đạo hãng kiến nghị lên cơ quan chức năng để đòi công bằng chứ không phải chỉ dán tờ giấy với dòng chữ là ổn”. Nhiều người dân cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy khẩu hiệu này sau xe taxi Vinasun. Anh Tạ Khánh Minh (ngụ quận 3) chia sẻ: “Tôi hiểu tài xế taxi Vinasun dán biểu ngữ như vậy là vì họ bức xúc lắm. Thực tế Uber, Grab được người dân sử dụng nhiều trong thời gian gần đây vì giá cả rẻ, đó là quy luật tất yếu. Nhưng nhìn ở góc độ khác, việc người dân đổ xô đi Uber, Grab thì cánh tài xế taxi truyền thống cũng khốn khổ thật. Thu nhập giảm thì lấy gì nuôi vợ con. Tuy nhiên, nếu dán khẩu hiệu lên xe như vậy là chưa ổn. Tôi nghĩ về vấn đề này, cơ quan chức năng cần xem xét để đưa ra quy định hợp lý, hợp tình”. Cũng trao đổi về vấn đề này, đại diện truyền thông Grab cho biết “DN không có ý kiến. Tất cả hành vi gièm pha làm ảnh hưởng uy tín DN khác là vi phạm Luật Cạnh tranh và sẽ bị xử lý theo quy định”. HỒNG TRÂM |